Sunday, January 14, 2007

Gia Phả Họ Đào

GIA PHẢ HỌ ĐÀO


GIA PHẢ HỌ ĐÀO
(Lập năm 1986)

( Nguyên bản gồm 51 trang 21 x 33
do Đào Đăng Vỹ viết tay, theo hình thúc kể chuyện lại cho các con của ông)

(A) Nguồn Gốc bên Ngoại:

Bên Ngoại Ba thuộc Hoàng phái, tức dòng họ nhà Nguyễn (Nguyễn Phước tộc). Bà Cố Ngoại các con tức là Bà Ngoại của Ba, lúc nhỏ đã nuôi nấng săn sóc Ba còn hơn mẹ nữa (vì mẹ lúc ấy đã có em nhỏ).
Bà Ngoại Ba tên là Công Nữ Khả Thưởng (bà con bên Hoàng phái thường gọi là Mệ Chín), con ngài Phù Cát Quận Vương, tức Bà thuộc Phòng Phù Cát, trước có Phủ Đệ ở Phường Phù Cát, phía Gia Hội, cùng nhiều Phủ đệ của các Hoàng tử khác.
Phù Cát Quận Vương tức là Phù Cát Quận Công có lúc đã làm Nhiếp Chánh Đại Thần (nắm quyền cai trị thay vua) cho vua Duy Tân. Có lẽ đây cũng là tên của An Thành Công, sau lên An Thành Vương, con của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. An Thành Vương tên là Miên Lịch (không rõ An Thành và Phù Cát có phải là một hay không, vì lúc còn nhỏ, Ba không rõ lắm, đến khi lớn thì quên vì đã quá lâu, hơn sáu bảy chục năm). Con Hoàng tử cũng gọi là Quận chúa, con vua và công chúa.
Mấy vị Công và Vương trên đây đều là anh em vua Thiệu Trị, chú bác vua Tự Đức, và đồng là Hoàng tử, con vua Minh Mạng, cháu nội vua Gia Long (Nguyễn Aùnh).
Bà Cố không rõ sanh năm nào, nhưng chết năm 1928 (tháng 8?), tức là môt năm sau khi Ba đã bãi khóa và bỏ học trường Quốc Học, khi đã lên lớp Tứ niên và sắp đi thi bằng Thành Chung (Diplôme).
Bà Cố lúc sinh thời chỉ mong Ba đậu Diplôme rồi ra làm việc Giáo học (Instituteur) hay Thông phán (Sécrétaire des Résidences) như mọi người thời bấy giờ. Nhưng Ba đã bãi khóa ở Huế (năm 1927, cùng một lần với bọn Võ Nguyên Giáp, học dưới Ba hai lớp), thì Bà Cố đang ở chơi tại Thanh Hóa, lúc ra thăm Cô Ngọc, và có lúc Ba vô ở với người cháu gọi bằng Cô lúc bấy giờ đang làm Tổng Đốc Thanh Hóa: đó là Cụ Tổng Đốc Ưng Dinh, trước đã làm Tham Tri (chức quan, nhỏ hơn Thượg Thư, của các bộ thuộc triều đình Huế) tại Nam triều và Bộ ở gần nhà Ba trong Thành Nội (lúc ấy có cả Bà Cố ở với Bà Nội và các cháu ngoại).
Bà Cố sau về thăm Bà Nội và Bác Đào Đăng Hy, lúc ấy đang làm Huấn Đạo Hiệu Trưởng trường Phủ Tư Nghĩa. Sau bà Cố bi bệnh và mất ở Tư Nghĩa, và chôn gần cạnh núi Hùm, gần đại lộ chạy ra tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Lúc đó Ba đang ở Hà Nội với Cô Ngọc, và sau đã về thăm mộ Bà Cố. Lúc ở Saigon Ba cũng có ra thăm mộ, lúc đó ứng cử nghị sĩ, và trước đó đã nhờ người lập bia đá có khắc tên Bà Cô và tên các cháu là: tên Bác Hy, tên Ba, v.v… (Tên An Thành Công Miên Lịch có ghi trong sách Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược (tác giả là bạn học của Ba lúc nhỏ).
Oâng Cố chồng bà Cố là người tỉnh Bình Định, Phủ An Nhơn. Lúc trẻ ông làm quan tại Quy Nhơn, tỉnh lỵ tỉnh Bình Định. Oâng làm quan đồng thời với cụ Tôn Thất Hân sau này làm Thượng Thơ Bộ Hình. Vì là bạn đồng song với ông Cố, nên sau này bà Cố ở trong Thành Nội gần Bộ Hình thỉnh thoảng vào thăm hai ông bà này. Sau cụ Tôn Thất Hân làm Thụ Chánh Thân Thần lúc vua Bảo Đại còn nhỏ đi du học Pháp.
Oâng Cố Ngoại xưa nhà rất giàu, nên làm quan ở Bình Định mà hay ra chơi Kinh Đô, đi đường bộ xa xôi, phải nằm võng do gia nhân và lính gánh hai đầu, người hầu hạ theo đông đảo, gánh vàng và tiền bạc từng gánh nặng ra xài ở đế đô và giao du rất rộng, lui tới đánh bạc, xem hát múa tại các phủ đệ ông Hoàng bà Chúa và các quan lớn. Vì vậy mà một ông quan tỉnh mà cưới được một Quận Chúa con một ông Hoàng tử danh vọng, cháu vua, chú vua (An Thành Vương là con út vua Minh Mạng nên rất được cưng chìu và ăn chơi rất trác táng.
Ông Cố con nhà giàu có tiếng lớn nên được cử làm quan giữ Kho nhà nước ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Vì ham chơi quá và hay bỏ nhiệm sở đi Huế nên sau cùng gặp năm bão lụt đói kém, các kho dự trữ lương thực bị trộm cướp vét sạch… Khi Quan giữ Kho trở về, chỉ còn cách là bán phần lớn ruộng đất ông bà để lại để đền của Kho mới khỏi tội.
Oâng Cố mất thì Bà Cố ra Huế, cùng đem theo hai người con là Bà Nội và Bà Dì (khi nhỏ gọi là Dì Năm, em ruột Dì Bốn ở luôn tại Bình Định, và một anh Cả mất sớm ở Bình Định).
Bà Cố có một người em mà Ba và các bác gọi bằng ông Cậu. Vì là con ông Hoàng nên ông được phong tước “Tá Quốc Khanh”, và chỉ ở nhà coi việc thờ phụng ông bà, và gặp lúc lễ lạc tại Triều thì đi chầu, có khi đi theo chầu đạo Ngư vua đi lễ tế tại Đàn Nam Giao. Vua ngự du xuân theo tục lệ xưa, các Tá Quốc Khanh và Trợ Quốc Khanh (không rõ tại sao có người là Tá, lại có người là Trợ?…). Oâng Cậu này có hai người con: thứ nhất là gái (Dì Đắc, sau có con gái lấy Bữu Mạn làm quan ở các Bộ tại Huế, em Bữu Mạn là Bữu Kế, sau này là tác giả một vài cuốn sách về ngôn ngữ và văn học Việt Nam), và một con trai là Ưng Uẩn bạn thân thiết với Bác Khản, cậu này sau chết sớm.
Bà con thân thiết nhất của Bà Cố là một vị con Bà Chúa, chị An Thành Vương, thường hay gọi là ông Thừa, cha ông là Aám Ồ mất sớm. Bà Aám Ồ sau có một người con gái (cũng là cousin xa của Ba) sau lấy ông Ưng Du (anh của Ưng Thi, chủ rạp Ciné Rex ở Saigon). Ưng Du làm thầu khoán giàu, sau có làm được rạp Ciné Kinh Đô (ở đường lê Văn Duyệt) và rạp Đại Nam ở đường Trần Hưng Đạo. Rạp Kinh Đô sau sửa cho Mỹ thuê đặt cơ sở Usaid, Usom tại đó. (Sau Ưng Du qua Hoa Kỳ. Chết tại Santa Ana vào năm 82, 83 gì đó?)
Lúc ông bà Thừa còn sống ở tại đường Hàng Bè, giàu có. Bà Nội có buôn bán với bà ta. Oâng Thừa làm hai ngôi mộ rất lớn, mỗi ngôi cao rộng bằng cả một ngôi nhà ngói lớn. Hai mộ ấy, một bên thờ bà Chúa, một bên thờ ông Phò, chồng bà. Chung quanh mộ có vườn rất lớn và cả một dãy nhà thờ. Cơ sở này ở gần bên phải đàn Nam Giao, và lúc nhỏ, mỗi lần có cúng kỵ, Ba đều đi theo Bà Cố lên cúng kỵ ở đó.
Lăng ông Hoàng An Thành Vương ở xa hơn, mộ đá và xi măng, nhưng không có nhà thờ ở cạnh.
Bà Cố ra Huế với Bà Nội và Bà Dì. Bà rất thông chữ Hán và chữ Nôm và hay đọc sách, có khi giảng hoặc kể chuyện lại cho Cô Ngọc và Ba nghe. Có khi Bà bảo Ba đi thuê truyện Tàu bằng quốc ngữ đọc cho Bà nghe. Bà lại có tài may vá, nấu ăn và làm bánh mứt rất khéo, và có tính sạch sẻ gọn gàng ngăn nắp. Aùo quần lúc nào cũng thẳng nếp và ướp thơm.

(B) Nguồn Gốc Bên Nội:

• Họ Đào xưa đã sinh sống lâu đời tại tỉnh Hưng Yên, ngoài Bắc Việt. Hưng Yên ở cách Hà nội chừng 40km. lân cận giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Việt Trì.
Giửa thế kỷ 19, các nước Tây phương trở nên hùng cường nhờ những tiến bộ vượt bực về khoa học và công nghiệp. Anh, Pháp v.v... trên đà bành trướng, cần kiếm thị trường để bán sản phẩm công nghiệp và cần chiếm thuộc địa để khai thác nguyên liệu phục vụ công nghiệp. Hai cường quốc này đã lập hai đế quốc rộng lớn ở Phi Châu rồi qua Á Châu.
• Nước Việt từ đời Tây Sơn (vua Quang Trung) rồi qua đời Nguyễn (dưới triều vua Gia Long) đã lớn mạnh sau khi được thống nhất, vượt qua cả Nhật Bản và có thể được coi như quốc gia đứng hàng thứ hai ở Á Đông, chỉ thua Tàu. (Nhật vào thời phong kiến quá chia rẽ vì nạn sứ quân nên rất yếu, hay bị Trung Hoa uy hiếp, và một dãy quần đảo Lưu Cầu luôn luôn bị đặt dưới quyền một Tổng Đốc hay một Tổng Giám Trung hoa). Nhưng về tổ chức quân sự, VN cũng như Tàu, Nhật đã quá xưa nên bị thua to trước khí giới tân tiến và cách tổ chức quân sự khoa học hơn của Tây phương. Nam Kỳ bị Pháp chiếm (1862-1864-1867), rồi đến Bắc Kỳ, Trung Kỳ(1883-1884-1885).
Quân triều đình thất trận nhưng đám sĩ phu (tức là trí thức) không chịu nhận sự đô hộ của ngoại bang, nên khắp nước từ Nam chí Trung, Bắc đã nổi lên Phong trào Văn Thân, rồi phong trào Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy đánh Pháp. Tỉnh nào cũng có quân dân kháng chiến chống Pháp.
• Tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ có rất nhiều đám Văn Thân Cần Vương đánh Pháp rất hăng, nên quân Pháp trả thù đánh lại rất nặng, triệt hạ nhiều làng. Dân quân của ta thua to, các lãnh tụ phải chạy tản mát ra các tỉnh khác. Các nho sĩ họ Đào, nhiều người đã phải đổi tên họ đi ẩn náu tại các tỉnh láng giềng, nhất là ở Bắc Ninh, ở các làng Gia Lâm bên kia sông Nhị Hà, và ở Hà nội (làng Yên Phụ bên bờ đê Yên Phụ, tức là phía Tây hai hồ lớn của ven đô Hà nội là hồ Tây và hồ Trúc Bạch...
Ông Nội đã về ẩn lánh tại Yên Phụ này, làm ông đồ dạy học các thanh thiếu niên quanh vùng, chẳng mấy lúc nổi tiếng là một nhà Nho tinh thông Hán học. Thời thế lần lần được yên, ông Cụ có khi về ở ngay Hà nội và có tậu tại đường Hàng Lọng một ngôi nhà gạch (gần nhà ga xe lửa Hà nội, trên đường Hàng Lọng nhìn ngay ra trước mặt là đường Hàng Cỏ : người Pháp gọi đường Hàng Lọng là Route Mandarine, tức con đường cái quan số 1 chạy vào tận Huế, Qui Nhơn, Saigon, sau khi đã vượt qua Nam Định, Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa và Vinh).
** Nghe kể lại thì đời tổ tiên họ Đào cứ một thế hệ theo nghiệp Văn lại đến một thế hệ theo nghiệp Võ. Một ông Cố họ Đào rất mạnh bạo đã đánh hạ một trâu điên phá làng phá xóm ai ai cũng kính phục. Sau ông thi đậu tiến sĩ Võ và làm quan đến tước Quận công, có lẻ là dưới triều Hậu Lê (Lê Lợi), nếu không phải là đời cuối Trần.

*** Lai lịch ông Nội :
• Thân sinh của Ba (các con gọi là ông Nội) nguyên quán tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Việt. Ông tên là Đào đăng Hưng, sinh năm nào không được rõ, qua đời tại Huế năm 1913.
Vì tham gia phong trào Văn Thân Cần Vương đánh Pháp (đã chiếm toàn cõi VN năm 1885 và Triều đình Huế đã phải ký Hòa ước Harmand 1885), bị quân Pháp trả thù tàn phá làng xóm ở tỉnh Hưng Yên nên ông Nội phải chạy lánh về vùng kế cận Hà nội. Lúc đầu, ông Nội về ở làng Yên Phụ, sau đó tình hình bớt căng thẳng, thì ông về ở Hà nội và có làm một căn nhà ngói ở đường Hàng Lọng, nhưng cũng vẫn dạy học trò ở Yên Phụ. Trong lúc các anh em và nhiều bạn bè đồng chí phải thay tên đổi họ thì ông Nội vẫn giử lấy họ Đào. Ông Nội nổi tiếng hay chữ, giỏi Nho học, văn thơ, được nhiều người khen và mến phục.
Lúc bấy giờ có người Pháp tên Nordeman (người Việt gọi ông là Ngô Đề Mân) làm Giám đốc Học chánh Bắc Kỳ, rất thông Hán học, thông cả chữ Hán và chữ Nôm và nói tiếng Việt (giọng Bắc) rất giỏi, chẳng khác gì người Việt. Ông học nhiều và chuyên nghiên cứu về phong tục và văn học Việt Nam. Và theo thói người Âu Tây, cái gì, chữ gì khó hiểu là muốn tìm người thông thái để hỏi cho tường tận đến gốc rễ, chớ không chịu biết qua loa, mơ hồ. Vì vậy đã nhiều nhà Nho dạy ông một lúc rồi phải chào thua rút lui, vì bị ông ta hỏi quanh co khúc mắc lắm cái không ai trả lời nổi... Không do ai mách bảo, Nordeman nghe tiếng ông Nội nên đi xe ngựa lên làng Yên Phụ tìm ông Nội để thử tài văn học và trình độ hiểu biết xem có cao thâm thật thì ông xin làm học trò để học thêm và nhờ giúp nghiên cứu và giúp dịch sách chữ Hán và chữ Nôm ra quốc ngữ và in thành sách, viết cả sách Pháp văn để phổ biến văn học VN cả cho người Pháp biết. Ông đến Yên Phụ hỏi tên ông đồ họ Đào, thì ông Nội lẫn tránh khỏi nhà, không chịu tiếp vì vẫn còn hận người Pháp cướp nước và đô hộ VN. ... Nhưng ông Nordeman rất kiên nhẫn, không chịu thôị, và tuần nào ông cũng có đến hỏi và chờ đợi cho đến tối mới chịu về. Mấy người làng sợ quá, vì ngại ông quan thực dân này bực tức kiếm cách trả thù thì cả làng mang họa! Họ đợi thầy đồ tối trở về nhà, mấy ông bô lão và người biết chữ trong làng mới đến năn nỉ vừa có ý oán trách : Ộ Sao thầy đồ cứ lánh mặt ông quan người Pháp để ông ta chầu chực mãi mà thầy cứ lánh không chịu tiếp, lỡ làm người giận trả thù thì cả làng chúng tôi chịu sao nổi? Thôi thầy gắng chịu khó tiếp ông ta xem ông ta hỏi gì, không giúp được, thầy sẽ từ chối cũng chưa muộn, chớ thầy cứ tỏ thái độ lạnh nhạt khinh miệt người ta thì khó cho chúng tôi quá! Không lẽ thầy muốn hại đồng bào hay sao? . . .”
Sợ làm phiền người làng, nhất là mình không phải là người gốc ở đây, mà chỉ đến ở trọ tạm thời, thầy đồ đành đợi đến ngày chủ nhật này sẽ ở nhà tiếp khách. Nordeman tuần này cũng đến như các tuần trước. Ông rất vui mừng khi gặp được ông nhà Nho khăn đen áo dài chờ sẵn đón tiếp.
Ông Nội vừa chào vừa hỏi : “Nghe quý quan đến tìm chúng tôi mấy lần không biết có gì dạy bảo?. . . Chúng tôi quê mùa hủ lậu, chỉ sợ không thể đối đáp được với người ngoại quốc nên ngại ngùng tránh né, chớ không có ý gì khác, xin quan lớn miễn lỗi cho! ... Vậy quan lớn có việc gì sai bảo, nếu làm được, chúng tôi đâu dám từ chối? “
- “ Thưa thầy đồ, chúng tôi ở Pháp sang đây, không phải chỉ để làm quan, làm công chức, mà mục đích chính là muốn tìm hiểu dân tình xứ này. Chúng tôi muốn nghiên cứu phong tục và văn học VN mà chúng tôi rất mến phục. Tôi đã học Hán văn, đã đọc và viết được chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ, và như thầy đã thấy chúng tôi đã nói được tiếng Việt. Nhưng trên đường học hỏi, khảo cứu, chúng tôi đã gặp nhiều bậc nhà Nho đã đậu Cử nhân, tiến sĩ cũng không giảng được cho chúng tôi rành mạch, nên chúng tôi còn lắm điều thắc mắc khó chịu. Nghe nhiều người giới thiệu thầy là người thâm Nho mà sự thông thái hiểu biết rộng rải cởi mở tánh tình phóng khoáng hay giúp kẻ dốt hơn mình, nên tôi mạo muội đến nhờ thầy giúp đỡ...”
- “ Chúng tôi quê mùa hủ lậu, chỉ sợ người ta giới thiệu lầm với quý quan đó thôi. Vậy có gì quý quan hay thắc mắc, xin cứ cho biết vài điều, và chữ nghĩa chỗ nào không thông suốt, cứ hỏi xem tôi có giải thích được phần nào chăng?”
Thế là Nordeman đem Tứ Thư Ngũ Kinh ra hỏi. Thầy đồ cố gắng giải đáp thì ông ta rất phục và hết sức hoan hỉ. Ngoài ra, ông còn đem những điều khó hiểu ngoài đời tra vấn thầy đồ. . . . . .
Sau khi nghe và hài lòng về những lời giải đáp, Nordeman đứng dậy vòng tay lễ phép như cử chỉ của người VN xá thầy đồ :
ỘTôi đã học nhiều thầy, quen biết nhiều nhà khoa bảng VN, nhưng chưa thấy ai như thầy. Tôi là người hiếu học, xin từ đây thầy nhận tôi làm học trò, thầy là thầy giáo của tôi.Ợ
Ông đồ vội đứng lên né tránh mà thốt :
- Ấy chết, quan lớn là quan của quý quốc Bảo hộ, chúng tôi chỉ là một nho sĩ nhà quê, có khi còn gàn bướng, hủ bại, thật sự không dám làm thầy quan lớn. Tôi là dân một nước hèn kém đã bị quý quốc đô hộ, chỉ đứng ngang hàng với người Pháp cũng đã vô lễ rồi, làm sao có ai lại dám làm thầy người Pháp bao giờ!...
- Xin thầy đừng nói như vậy! Giữa thầy và tôi không có vấn đề người Pháp, người Nam, chỉ có một tên học trò hiếu học và một vị giáo sư cao siêu có lòng rộng lượng đem tài học của mình san sẻ cho kẻ không hiểu biết bằng mình. Sự thật tôi chẳng những muốn học cho cá nhân tôi thôi, mà còn có tham vọng muốn đọc hiểu được nhiều sách Hán và Nôm đem dịch ra quốc ngữ, truyền bá văn học, lịch sử, triết lý tư tưởng xưa tiềm tàng trong sánh thánh hiền, hoặc ngay cả trong dân gian... đem ra phổ biến cho nhiều người biết, đó là điều ích lợi cho dân VN. Mặt khác, tôi sẽ trình bày những điều ấy bằng Pháp văn cho người Pháp và người Tây phương hiểu biết hơn về xứ sở quý vị, hiểu biết dân tình VN, là một quốc gia có một lịch sử lâu đời, có một nền văn hóa đáng kính trọng. Người ngoại quốc sẽ trọng dân quý quốc. Như vậy sự liên hệ giữa Pháp và Việt sẽ càng ngày càng cải tiến, chúng ta sẽ là hai quốc gia đồng minh, dn Pháp, dân Việt sẽ là hai dân tộc anh em, không có mặc cảm chia rẽ nhau và thù hận nhau. Thầy sẽ hợp tác với tôi làm sách vở, viết và dịch sách, in sách, phát hành sách rộng rải trong dân chúng. Há thầy không nghĩ như tôi vậy sao?..
Quan lớn nói làm tôi hết sức xúc động, và tôi rất cảm tạ người đã có lòng thương mến đồng bào chúng tôi, thật tình muốn giúp đỡ chúng tôi bớt mặc cảm là dân một nước hèn kém bị đô hộ, bị khinh khi. Tuy nhiên còn có một điều làm tôi thắc mắc mà chưa dám nhận lời quý quan. Tôi là một nhà Nho xưa, rất bảo thủ, và rất trọng lễ nghĩa của ông bà truyền lại. Thật khó mà quan niệm có một học trò, một đệ tử cao sang, danh vọng quá lớn hơn thầy giáo. Làm sao nó thể như thế được? Quan lớn nên nghĩ tình mà tha thứ cho tôi!
- Điều này thật quá dễ giải quyết, xin thầy khỏi thắc mắc. Tôi sang đây đã học được sách thánh hiền Đông phương, lễ nghĩa Đông phương, tôi sẽ là học trò và thầy là thầy. Tôi kính trọng thầy, lễ phép với thầy không khác các môn sanh bản xứ đối với thầy đồ. Thầy nhận tôi ba lạy bái sư vậy.
Thầy đồ vội đứng dậy ngăn cản, nhưng người ngoại quốc cũng chấp tay xá ba xá. Và từ đây hai người đã gần gủi nhau,và ông Cố đã vừa dạy thêm chữ Hán chữ Nôm cho Nordeman, vừa giúp ông ta làm sách, dịch sách, nhưng không lúc nào chịu đứng tên mình, chỉ để Nordeman đứng tên trên các sách.
Về sau, ông Nordeman bổ nhiệm ông Nội làm giáo sư chữ Hán cho các trường học Pháp Việt tại Hà nội.
Theo ông Phò Nguyễn Hữu Tý, lúc ở Hà nội, ông Nội rất quen thân với Kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn hữu Độ (là ông già Nguyễn hữu Tý), và ông này đã đề nghị với ông Nội là khi nào ông về Kinh đô Huế làm lớn sẽ bổ nhiệm ông Nội làm Thượng thư Bộ Học. Sau ông có vào Huế thay thế Nguyễn văn Tường (bị Tây đày đi ngoại quốc vì Tường đã tỏ ra chuyên quyền ở triều đình Huế với Tôn Thất Thuyết sau đánh úp Pháp năm 1885 khi đã có hòa ước giữa VN và Pháp năm 1883-1885) : Tường và Thuyết đã ám sát các vua Dục Đức (bắt giam nhịn đói đến chết, Hiệp Hòa và Kiến Phước (bị bắt uống thuốc độc). Sau Tường và Thuyết đem vua Hàm Nghi bỏ kinh đô chạy đi Tân Sở (Quảng Trị), vì bị Pháp đánh bại. Tường nữa chừng bỏ vua về đầu hàng Phápm được giao sắp đặt lại việc Nam triều và mời cho được Hàm Nghi trở về. Tường bị cả người trong nước và cả người Pháp khinh bỉ, vì ông tráo trởvà làm không xong việc nên chánh quyền bảo hộ đày ông ra ngoại quốc và ông đã chết xa xứ sở.
Về sau, không biết vào năm nào, Nordeman được đổi vào Huế làm Giám đốc Học chánh Trung Kỳ. Ông rước ông Nội theo vào làm Giáo sư Hán văn tại trường Quốc học (đồng thời với ông Ngô đình Khả, thân sinh Ngô đình Diệm), và trường Đông Ba. Nordeman vẫn đối đãi với ông Cố rất kính trọng, và chiều Chúa nhật nào cũng đi xe song mã qua đón thầy đi dạo mát ở các vùng lân cận Kinh đô, nhất là vùng núi Nam Giao, Ngự Bình, v.v..., lại cho luôn cả hai con nhỏ của cô Ngọc và Ba đi theo. ... Có thời Nordeman kiêm luôn làm Giám đốc Sở Liêm phóng (Công an) Trung Kỳ vì ông rất thông thạo phong tục VN, và rất giỏi tiếng Việt. Ông Nội làm thầy một ông Giám đốc cả hai cơ sở lớn của chánh quyền Bảo hộ, nên các công chức và các quan lớn trong triều rất kính nể. Ông Nội thường dùng uy thế đó để giúp người : xin cho công ăn việc làm, giải thoát những kẻ rủi gặp hoạn nạn khó khăn. Ba và các Bác đã hưởng được truyền thống từ tâm đạo đức đó, nên có lúc có lẽ trời cũng giúp được thoát qua nhiều tai nạn oan trái, và để phước lại cho con cháu.
Ông Nội lúc rảnh rổi thường hay hội họp các ông bạn nhà Nho làm thơ đọc cho nhau nghe, có khi còn thuê cô đầu(ả đào) ngâm hát để các cụ uống rượu thưởng thức. Vì uống rượu trắng (rượu đế) nhiều nên về sau ông bị bệnh đau gan rồi qua đời. Ông lại có tật hút thuốc Lào, lúc nào hút cũng hít những hơi rất dài, rồi say ngất, nằm suýt xoa hàng giờ.

• Ông Nội lúc ở Bắc đã có vợ và có 2 con : Cô Đào thị Nga và Bác Đào đăng Nghi (Bác Hường).
Khi ông Nội vào Huế với Nordeman chỉ đem theo Bác Nghi (lúc ấy độ 10 tuổi), cô Nga ở lại Hà nội với mẹ vì bà Cụ xem số người ta nói là có thể chết vì sông biển nên bà không dám theo chồng đi xa. Về sau cả hai mẹ con đều chết ở Bắc. Ông Nội vào làm việc ở Huế rồi cưới vợ 2 (tên là Nguyễn thị Tân), về sau ông quơ luôn cả em vợ là Bà Dì (Dì Năm). Bà Nội sanh được 5 con, Bà Dì sanh được một con gái chết sớm (lúc 6, 7 tuổi). Mộ được chôn gần ông Nội sau này.
• Ông Nordeman làm việc ở Huế ít năm thì được phép về Pháp nghỉ mấy tháng. Vào năm 1912, 1913 gì đó, lúc ông Nordeman về nghỉ ở Pháp thì bên này ông Nội lâm bệnh nặng rồi qua đời, được chôn cất gần Nam Giao, cạnh rào chùa Quảng Tế, là một ngôi chùa lớn đã được gia đình Bà Cố và Ông Nội giúp gây dựng nên, Khu đất mộ từ trước đã được ông Nội tìm và lựa chọn theo sự hiểu biết toán phép địa lý của chính ông.
• Sau này Bác Hường gái (vợ ông Bác Nghi hồi đó ở đường Huỳnh Mẫn Đạt bên Thị Nghè) thường nói mộ này chỉ phát nhất cho chi nhánh của Ba. Vì vậy, có lúc Ba đề nghị xây lại cho tốt và chắc chắn hơn để khỏi bị trâu bò đạp phá thì gia đình Bác Hường Nghi lại cản, ngại sợ đất mộ lại phát tốt cho phía Ba và con cháu, mà có thể hại cho các Bác nên Ba bỏ ý định ấy, không đá động gì đến việc Ộxây lăng đắp mộ Ộ này nữa. Ngoài Ba ra, chỉ còn các người con của Bác Hường như Đào đăng Hưu, Đào thị Quyên là biết việc này.
• Lúc ông Nordeman trở lại Huế thì ông Nội đã chết và chôn cất xong xuôi rồi.
Nhà ở Hàng Bè chính phủ lấy lại, Bà Nội phải mua một nhà tranh trong thành nội. Nhà ở trong một khu vườn khá rộng, nhưng thuộc một khu vực thấp nên khi có lụt lớn là hay bị ngập nước lút đến cả giường ghế bàn tủ. Vì hay bị ngập nước lụt nên đất vườn có mùa rất tốt, lúc nào cũng được bà Nội thuê người cày cuốc trồng trọt đủ thứ : hoa hồng, tường vi, chuối, bắp, khoai sắn, và dựng giàn để bầu bí leo lên, cũng có giàn
cho bông lý leo trước nhà, nơi có bể cạn và hòn non bộ ở giửa hai bồn hoa. Vườn này ở cạnh vườn ông Phạm Văn Phúng, là anh của Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Bắc Việt). Hai nhà qua lại thân mật với nhau qua một hàng rào cây cẩn. Quanh vườn có cả cây hóp, cây keo, và cây chè lá nhỏ làm rào rất đẹp. ỘHễ trời lụt là lúc nhỏ Ba và chú Tá hay ra lội chơi, có khi đốn vài cây chuối làm bè đi trên nước.Ợ
• Ông Nordeman trở lại Huế, hay tin ông Nội mất, và gia đình đã dời đi nơi khác, ông hỏi thăm tìm vào nhà trong Thành Nội thăm. Ông đến trước bàn thờ ông Nội thắp hương lạy, nước mắt ròng ròng. Lạy xong, ông quay lại nói với bà Nội :
Cô thật đáng trách quá! Lúc tôi ra đi, thầy tôi vẫn mạnh khoẻ, chỉ trong mấy tháng đau gì mà Cô không biết săn sóc để thầy tôi chết oan uổng. Bây giờ tôi hết sức buồn và chán nản lắm. Chắc tôi sẽ rời khỏi VN về Pháp chớ không còn ở đây lâu nữa. Cô làm ơn chỉ mộ Thầy ở đâu để tôi đi thăm.
Thế là ông đi thăm mộ thầy giáo mà cũng là người cố vấn và bạn thân. Ông cũng thắp hương khấn vái, nước mắt chảy ròng, rồi tjeo tục lệ người Tây, lượm một viên đá nhỏ liệng trên nấm mồ rồi về... Về sau, ông thu xếp về luôn Pháp, để lại cả nhà in cho ông Mạc Đình Tư (người hợp tác với Nordeman mở nhà in). Có điều đáng nói là hình như ông không giúp đỡ gì mẹ con ông Thầy vừa quá cố! Kể cũng lạ!

• Một quả phụ với 5 con dại
Ông Nội mất, nhà nước cấp cho quả phụ một số tiền nhỏ, đâu vài trăm bạc (lúc bấy giờ đồng bạc Đông dương đang có giá trị lớn) mua vườn, nhà đất hơn 100, còn lại chỉ mấy chục. Vốn liếng chẳng có gì. Nhà Nho, nhà Giáo, chữ nghĩa nhiều chứ tiền thì ít, thói nhà thanh bạch, tình thế gia đình bấy giờ thật là bấp bênh, khốn đốn! Một mẹ còn trẻ với 5 con dại trên tay. Năm con là :
1. Đào đăng Khản, sinh năm 1900, (Canh Tý), năm ấy độ 16, 17 (ngày xưa đi học chậm) nên mới học lên lớp Nhất tiểu học.
2. Đào đăng Hy, sinh năm 1902 (Nhâm Dần), nhỏ hơn 2 tuổi, lúc ấy cũng độ 15, 16, nhưng cùng học một lớp.
3. Đào Như Ý, sau đổi là Đào Như Ngọc, sinh năm 1905 (Tân Tỵ), thua 3 tuổi, hình như ngay lúc ấy chưa đi học trường nào, sau mới vào học trường Nữ học ở ngoài cửa Thượng Tứ (sau đổi thành Tiểu học Paul Bert, trường con trai), sau học Đồng Khánh.
4. Đào đăng Vỹ, sinh năm 1908 (Mậu Thân), thua 3 tuổi, chưa đi học trưòng.
5. Đào đăng Tá, sinh năm 1911 (Tân Hợi), thua 3 tuổi, chưa đi học.
Bà Nội từ trước đã có buôn bán với mấy bà con cùng ở phố Hàng Bè, nên bấy giờ các bà cũng giúp làm ăn, tuy vốn liếng chẳng có bao nhiêu, nhưng các bà có khi cho lấy hàng chịu (ghi sổ).
Nhưng như vậy cũng khó an toàn nên bà Cố đã phải cho Bác Khản và Bác Hy ra ở lại nhà ba Thưà Chỉ ở đầu Hàng Bè gần cuối cầu Gia Hội, để kèm dạy 2 người con còn nhỏ là Lê Quang Diệm và Lê Quang Dực. Hai cậu này sau là bạn của ông Vỹ.
Được đâu hơn một năm thì ông Bác Hy thi đậu vào học nội trú có học bổng tại trường Quốc học. Bác Khản cũng cũng vào học được lớp đệ Nhất Cao đẳng Tiểu học (Enseignement Primaire Supérieur) tại Quốc học với Bác Hy, nhưng không có học bổng. Bác lại được bà Biên Phạm (dòng Phạm đăng Hưng ở Gò Công trong Nam, là dòng họ của Thái Hậu Từ Dủ, mẹ vua Tự Đức). Bà Cụ này nhà giàu, nhà cửa đẹp đẻ sang trọng, có người con thường được gọi là ông Ấm, sau làm chủ rạp Ciné Tân Tân ở đường Trần Hưng Đạo, Huế. Ông này có cả bầy con trai con gái nhỏ nên Bác Khản được rước về làm thầy giáo kèm tụi nhỏ, cùng lúc lại có tụi nhỏ bà con quen biết tới học luôn. Bác Khản vừa đi học vừa đi làm Précepteur (thầy dạy kèm tư gia), nhưng đến hết năm đệ Nhị (=lớp 11) thì thôi học, chỉ ở nhà dạy học ở luôn nhà Bà Cụ Biên (hình như ông Cụ chồng bà trước có được hàm quan Biên tu Biên soạn gì đó cho nên người ta vẫn gọi bà là Bà Biên Phạm, và lúc này ông chồng đã mất lâu rồi. Bác Khản lúc nhỏ đẹp trai, rất vui tính, ca hát và huýt gió rất hay (ca Huế các cô ca sĩ cũng chịu thua), nói chuyện duyên dáng vui vẻ nên bà Cụ Biên và ông con rất thương, xem như con cháu trong nhà. Lũ trẻ học trò cũng rất mến thầy giáo trẻ, nên luôn quấn quít bên thầy.
Ba và cô Ngọc cũng bắt đầu đi học tại nhà bà cụ Phạm, nhưng ông bác Khản (ba của Mi) sau khi dạy học vài năm thì xin vào làm thư ký và chế thuốc ở Pharmacie Bernard rất lớn, ở một nhà lầu ngay đầu cầu Trường Tiền phía đường Trần Hưng Đạo, đối diện với nha hàng và Hotel Morin bên kia cầu.
Ngày xưa, làm việc tại các Sở tư không được trọng bằng làm công chức tại Sở Công (cơ quan của chính phủ), nên sau Bác lại làm Giáo học và được bổ đi dạy trường Tiểu học ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
(1 ) Bác Khản có hai đời vợ : Lần thứ nhất là một cuộc hôn nhân ép buộc, không xứng hợp nên ông Khản xin ly dị.
Về sau tái hôn với một nữ đồng nghiệp, cũng dạy học ở Phan Thiết. Cả hai cùng được thuyên chuyển ra Hội An (Faifo), rồi Tam Kỳ (Quảng Nam). Tam Kỳ ở gần căn cứ Mỹ là Chu Lai.
Bác Khản đã có lúc tính đi làm thầu khoán để kiếm nhiều tiền hơn là đồng lương cố định của một giáo chức nhỏ. Nhưng Bác đã thất bại trong cuộc thử thách này, nên rốt cuộc vẫn làm trợ giáo.
Bác Khản gái rất khôn ngoan, vui vẻ nên được lòng gia đình bên chồng.
Hai Bác Khản đã sanh được 3 người con :
• Đào Khánh Vân (ở nhà thường gọi là Bê) sau học Đồng Khánh, được học bổng ở nội trú. Hết học, Khánh Vân lấy chồng tên là Thám, có 3 con (1 trai, 2 gái).
• Đào Đăng Tường Vân (tên gọi ở nhà là Đê)
Lúc còn nhỏ ở vói Ba tại Huế và học trường Quốc học. Ở cạnh nhà Ba có nhà nấu cơm tháng cho học trò. Nơi đây có cô học trò khá đẹp của Ba. Tường Vân qua lại nên quen nhau và sau kết hôn với người này. Đó là Đào Thị Thanh. Tường Vân đậu bằng Diplôme (Trung học) ở Huế làm Thông phán (công chức) tòa Công sứ (giống như Tòa Lãnh sự bây giờ) Hội An. Sau này có làm Tri Huyện (thời Ngô Đình Diệm), rồi về mở nhà thuốc Tây buôn bán tại chợ Cồn, Đà Nẵng.
Đến năm 1975 mất Đà nẵng, cả gia đình vào Saigon rồi vượt biên qua Mỹ.
Bác Khản cùng Tường Vân từ Quảng ra Đà Nẵng năm 1954, cả gia đình đều thiếu thốn Ba cố gắng giúp đỡ nhiều lần. Bác Khản có vào ở với Ba một thời gian ở Saigon lúc Ba còn ở đường Cô Bắc, sau Bác ra lại với Tường Vân lúc Vân còn làm Tri Huyện cho đến khi thôi làm về lập nhà thuốc Tây ở Hội An, và bác Khản đã qua đời tại Hội An. Ba từ Saigon có ra đưa đám. Cặp vợ chồng Vân-Thanh có 10 người con (4 trai + 6 gái).
• Đào Thúy Vân (Tức Mimi) có chồng là Ngô Xuân Cẩn (mất năm 1993).
Lúc tản cư về Đà nẵng gặp Ba đang lúc vào đây để chờ máy bay đi Saigon có việc. May quá, vì hai vợ chồng và con cái chỉ có một gánh đồ đạc áo quần, không nhà cửa, không tiền bạc,.....
Ba có giúp đỡ chút đỉnh tiền bạc để đi thuê nhà ở và kiếm cách làm ăn. Lúc về, vợ chồng Thúy Vân-Cẩn đang ở tạm trong nhà ga xe lửa Đà nẵng đang bỏ trống vì tàu lửa và đường xe lửa đã bị Việt Minh phá hủy. Sau Cẩn vừa đi dạy học trường tư vừa làm công chức tại Sở Khí tượng Đà nẵng. Con gái đầu là Khánh có chồng là Nguyễn Mậu Bàng, làm kỷ sư ở Sở Điện lực Saigon. Nay vẫn còn ở Saigon.
Hai vợ chồng Bác Khản đều có bệnh hay chơi bài bạc nên luôn luôn nghèo túng. Sau Bác lại thêm bệnh nghiện thuốc phiện nên càng khốn đốn hơn.
Về nhánh Bác Khản, nay còn Đào đăng Tường Vân hiện ở Gardena City(gần Los Angeles, Nam Cali). Nếu Tường Vân muốn viết tiếp thêm gia phả này thì nên bổ túc.
(2) Bác Đào Đăng Hy, tuổi Dần, nhỏ hơn Bác Khản 2 tuổi, lớn hơn Cô Ngọc 3 tuổi, lớn hơn Ba 6 tuổi, là người rất hiền lành, học giỏi, hiếu để, đạo đức, là thân sinh của Đào dăng Nam (con của người vợ thứ nhất Lê Thị Duy), cùng tuổi với Tường Vân. Thời niên thiếu có ở với Ba để đi học Quốc học, sau lên lớp Tứ niên thì theo các Sư đi tu, và theo Việt Minh, ra Bắc ở với Bác Hy. Anh Nam mất ở Nghệ An (1964 hay 1968 không rõ). Ông Bác Hy và cô Duy ly dị sau khi có một con. Về sau Bác Hy lấy vợ lần nữa (cũng người Huế) và sanh ra: Đào Tư An, Đào kinh Kha,Đào....Sơn. Kha và Sơn sanh ở Nghệ An, Tư An sanh ở Tư Nghĩa, Quảng Ngải. Tất cả đều kẹt lại ở Bắc. Sau 1975, Tư An vô làm việc Saigon (Đại tá Bác sĩ y khoa). Có liên lạc với Ba, và trong mấy năm liên tiếp có tiếp tế cho quà và tiền. Về sau vì ít tiền nên ông Ba chấm dứt viện trợ.
Lúc chính phủ Trần trọng Kim thành lập, Bác Hy lên chức Đốc học toàn tỉnh Nghệ An và về ở Vinh. Việt Minh lên, người trong tỉnh bầu ông làm Chủ tịch Liên Việt gì đó (là một tổ chức do Việt Minh dựng lên cho có vẻ dân chủ) nhưng về sau chính tụi nó lại tố khổ bác là trí thức tư sản và định đem ra xử ở Tòa án Nhân dân. Cả 4 người con trai của Bác Hy lúc ấy đều phục vụ trong quân đội VM nghe tin về kịp đều đứng ra phản đối. Vò có quân hàm bộ đội cả mấy anh em nên tụi địa phương ngại phải đụng chạm lớn nên không dám bịa chuyện đem ra Tòa án Nhân dân nữa. Mấy người con đem ông Hy ra ở Hà nội, rất thiếu thốn. Tới 1975, tính vào Saigon tìm Ba, nhưng mấy người con của ông Hy vào biết Ba đã đi Mỹ rồi nên Bác Hy không vào nữa. Bác Hy ở lại Hà nội, bị bệnh suyễn nặng không có thuốc men chữa tri, nên qua đời năm 1976.
Gia đình Tư An (hai vợ chồng + 3 con gái) được nhà nước cấp nhà ở trong đường hẽm chùa Từ Thọ, đối diện với chùa Trường Phước, đường Lạc Long Quân, Quận 11.
(3) Đào Như Ý tức Cô Ngọc : Hồi nhỏ Cô Ngọc có tên là Như Ý, sau đổi tên là Như Ngọc, tuổi Tỵ, sinh năm 1905 tại Huế. Khi chết được chôn và xây mộ bằng xi-măng và gạch tại Cai Lậy, gần Mỹ Tho ở Nam Kỳ (1943) lúc mới có 38 tuổi Tây, 39 tuổi ta.
• Thuở niên thiếu, Cô Ngọc và Ba gần gủi nhau nhiều nhất cũng như với ông Hy.
• Cô Ngọc người rất đẹp, và thông minh lanh lợi, ít có đàn bà nào sánh bằng. nhưng đường đời vất vả, tình duyên long đong, lận đận.
• Lúc còn đi học trường Đồng Khánh vài năm thì ông Tạ Văn Xuân đã để ý và cố nài ép cưới cho con trai ông là Tạ Ngọc Đông. Anh này con của bà vợ nhỏ của ông Xuân, người Huế, dòng Tôn Thất. Ông Xuân bảo đảm đám cưới xong vẫn để cho Cô tiếp tục đi học nhưng nhà mẹ của Tạ Ngọc Đông là là một gia đình rất cổ hủ. Năm thế hệ ở cùng một nhà lớn bên kia cầu An Cựu : Bà Cố hơn 80 tuổi, các Cô, Dì, Chú Bác, cháu chắt ở dưới một mái nhà(có nhà trên thờ ông bà và bà cô, ởo với gia đình một ông Huyện là người thế lực nhất nhà) mẹ con Đông cũng ở một nhà ngang với các Cô Dì. phía sau có một nhà bếp. Gia đình được vua phong một câu ỘNgũ đại đồng đườngỢ khắc trên một bức hoành sơn son thiếp vàng, được treo trên căn giữa nhà trên. Gia đình lấy đó làm vinh hạnh lắm. Nhà nề nếp xưa, ai đi đâu cùng phải thưa trình xin phép cả nhà, từ Bà Cố trở xuống, lúc về cũng vậy.
• Gia đình này lấy làm hãnh diện vì mấy chữ ỘNgũ đại đồng đườngỢ nhưng trên thực tế, đây là 5 bầy của nhỏ chung một thúng, que cành đụng nhau, khi công khai ồn ào, khi thì ngấm ngầm đê tiện, nhất là mấy bà góa chồng, thường gắt gao ganh ghét và luôn luôn nói xấu nhau hay kiếm cách hại nhau lặt vặt. . .
• Cô Ngọc mang tiếng là ôm sách đi học, nhưng đi học về phải nấu cơm cho tiểu gia đình ăn. Đi học phải đi thưa về trình đủ mọi người vì đây là thế hệ thứ 5 nhỏ hơn hết nên phải thưa trình tất cả các thế hệ trên trước. Mấy bà đã ganh ghét nhau rồi, nay có cô dâu nhỏ, cứ sớm chiều ôm sách đi học, các bà Cô Dì ghét lắm, cứ hay nói bóng gió xa gần, nguyền rủa. Có khi lén bỏ từng nắm muối vô nồi canh trách cá để cô dâu bị bà gia la rầy cho bỏ ghét, có khi bà gia ném cả đồ ăn vô người, phải đi nấu lại. Bị hành hạ quá đáng, Cô Ngọc cứ về khóc lóc với bà Nội nên bà Nội tức mình qua gây gổ với ông bà Xuân (bà lớn, sự thật là bà Hai, vì ông Xuân còn một bà thứ nhất ở lại ngoài Bắc). Sau ông Xuân phải xin cho Cô đi học Cô Mụ (Sage-femme ở Hà nội) : Trường Cô Mụ đỡ đẻ thuộc phạm vi trường Thuốc (Đại học Y khoa) Hà nội. Ở với ông Đông, Cô Ngọc có một con gái sau này lấy chồng là Bửu Cầm (dạy chữ Hán và chữ Nôm ở Đại học Văn khoa Saigon).
• Ngao ngán cảnh làm dâu một gia đình phong kiến lạc hậu, lúc học ở Hà nội, gặp anh chàng công tử ăn diện sang trọng lại làm chủ một tiệm bán xe đạp trông có vẻ giàu có... Anh chàng họ Tiết này đón đường tán tỉnh, luôn chờ đợi ở cạnh trường học, hễ tan học ra là đón đi theo, Cô Ngọc miết rồi cũng xiêu lòng và không trở về làm dâu ai nữa nên lại bước qua thuyền khác và có với họ Tiết (hiếu Trung) một con gái là Paulette sau đi học Pháp đậu được bằng Licence en Droit (Cử nhân Luật), về Saigon gặp ông Tâm và Ba. Ba bố trí cho cô Paulette làm Chef de Cabinet (Chánh văn phòng, lúc Ba làm Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng). Tiệm xe đạp tên là Trúc Thành, ở cửa Nam Hà nội, gần Hàng Bông, và cách xa Hàng Lọng vài con đường. Lúc Ba ở Huế bãi khóa rồi vào Tư Nghĩa với bác Hy, rồi đi Nha Trang với vài người bạn, tính chuyện làm ăn với nhau, khỏi làm công chức với Pháp. . . Sau Cô Ngọc cố gọi Ba ra Hà nội để có thể học lại thi Tú tài Pháp. Ba ra ở với Cô Ngọc tại tiệm Trúc Thành này, vừa đi học tư vừa viết báo. Ba ở với Cô Ngọc độ hơn 1 năm (1928-1929). Thấy ông Nội có để lại cái nhà ở Hàng Lọng, ông Trung giúp lấy lại được vì nhà đang do một người bà con bên phía mẹ bác Hường chiếm ở lâu ngày. Ông Trung thừa cơ cố ép Cô Ngọc nói với Ba để cầm nhà ấy, chung tiền lập một công ty xe hơi cho thuê. Được ít tháng Ba xin được giấy phép chạy xe đò đường Tuyên Quang-Hà Giang) mà lúc bấy giờ chưa có ai được phép chạy vì đường ra biên giới Trung Hoa lại chưa được đắp đá tráng nhựa, đường hẹp, lầy lội, bên sườn núi bên hố sâu rất nguy hiểm. Nhưng nhờ Ba rành tiếng Pháp nên nên giao thiệp với các sĩ quan Pháp đóng tại tỉnh này là một tỉnh quân sự (Territoire militaire limitrophe de la Chine) nên lấy được giấy phép đặc biệt mở đường chuyên chở công cộng đi Hà nội-Hà Giang. Đi nửa năm mua được 2 xe cũ nữa với 1 xe mới mua từ trước. Đường đi hiểm trở và độc quyền nên giá xe từ Tuyên Quang đi Hà Giang đắt gấp 10 từ Hà nội lên Tuyên Quang nên làm ăn rất thịnh vượng. Nhưng ông sai lời giao ước trước (mỗi người áp tải xe lên về một lần), cứ để Ba đi miết, vừa bỏ học vừ nguy hiểm. Sau nhiều lần nói không được, Ba bỏ cuộc và Công ty sập tiệm vì ông Trung không dám thay Ba để đi với tài xế, nên tài xế chịu cực không nổi, xe bị hư hỏng thì bỏ luôn không làm nữa.Vỡ nợ, ôngTrung bỏ trốn mất vào Saigon, không tin tức vì sợ ra Tòa. Mình Cô Ngọc và Ba chịu trận với Tòa án và luật sư. Sau Ba và Cô Ngọc phải liều bán luôn cái nhà (đáng lẽ phải có đủ anh em mới bán được) để trả nợ, còn lại vài ngàn chia đều cho cả mấy anh em, kể cả Bác Hường và Chú Tá. Trong lúc phải lo đi Tòa án, thì cô Ngọc và Ba về ở đường Hàng Lọng, vì tiệm Trúc Thành phá sản, tiệm bị đóng cửa. Bán nhà xong phải thuê nhà ở gần phía Ga xe lửa Hà nội (ở đường Tân Hưng).
• Ông Trung đi mất mấy năm và Ba chận không cho cô Ngọc liên lạc nữa vì ông ta tỏ ra hèn hạ, độc tài. Lúc Ba làm ra tiền đưa về cho thì ăn chơi thả giàn, bạc dãi vợ, lúc khó khăn phải đối phó với chủ nợ, Tòa án, luật sư thì ông ta bỏ trốn không tin tức. . . để hai chị em có thể bị phạt, bị tù nếu không trả nợ được và giải quyết xong vụ phá sản!
• Mấy năm sau Cô Ngọc lại kết hôn với ông Nguyên, người Nam, con nhà giàu và đang học trường Thuốc. . . Ông này lại bê bối nữa, đang học Thuốc ở Hà nội bỏ về quê luôn, ông già chết, nhà sa sút, Cô Ngọc phải lập tiệm buôn bán kiếm sống qua ngày. Nhưng ông Nguyên cứ theo đà công tử nhà giàu, cứ ăn chơi đánh bạc, bê tha không lo gia đình. Vì vậy lúc đi làm việc xã hội trong hạt, gặp Quận trưởng Nguyễn Văn Tâm quyền thế ở Cai Lậy, Cô Ngọc lại bước thêm bước nữa và vài năm sau thì bị bệnh không kịp chở đi nhà thương lớn Saigon nên bị xuất huyết mà chết năm 1943, mới 38 tuổi Tây. Thật là bất hạnh!
• Cô Ngọc rất đẹp, tánh nết hiền lành, nhiều thiện tâm, biết thương mẹ và anh em. (Lúc Ba mở trường Việt-Anh rất lớn ở Huế, thiếu tiền, Cô có cho mượn 1,000 đồng, cũng như đền ơn Ba, hơn nữa Ba đã vì Cô mà cầm và bán ngôi nhà ông Nội để lại tại Hà nội. Không đợi phép các anh em vì là của chung, mà Ba đã vì Cô mà làm ngang. Bác Hường Nghi lúc ấy cũng buồn Ba nhưng nể nang mà không rầy rà gì.
• Lúc được tin Cô Ngọc mất, thật như sét đánh bên tai. Lúc ấy bà Cố đang ở Huế với Ba. Ba đi ngay vô Saigon bằng xe lửa, rồi thuê ô-tô đi Mỹ Tho, rồi Cai Lậy, nhưng cũng đã trể không kịp đưa đám, chỉ đi thăm mộ.

(4 ) Đào Đăng Vỹ, sinh năm 1908 tại Huế. Sẽ kể chi tiết tiểu sử, sinh hoạt trong tập Hồi ký sẽ viết sau.

5/ Đào Đăng Tá (1911-1947) :

• Con út của ông bà Nội, nhỏ hơn Ba 3 tuổi, tức sanh năm 1911, chết năm 1947. Lúc nhỏ rất nghịch ngợm, ham chơi, làm biếng học hành, chỉ đậu Tiểu học rồi Bác Hy xin cho đi dạy các lớp nhỏ trường Tiểu học, sau cũng bỏ đi theo học võ thuật, học gồng vì người cao lớn mạnh khoẻ nhất nhà nên ham võ hơn văn. Nếu sanh vào các thời xưa, có lẽ thành công trên đường võ nghiệp, và nếu còn sống, về sau chắc cũng sẽ đi lính theo nghiệp võ thì chú thích và hợp tánh tình hơn. Lúc Ba làm Giám đốc Trường Việt Anh, có cho vào làm Giám thị, nhưng sau cũng không xong. Lúc Ba gặp khó khăn với chủ trụ sở Trường Việt Anh, Ba bỏ V.A. qua mở Trường Đồng Đức thì Tá không làm việc nữa. Thế rồi lấy vợ, rồi đến chiến tranh xảy ra (12/1946), Việt Minh cướp chính quyền từ tháng 9/45, Tá vào làm an ninh Phường, rồi tản cư về quê (làng Phù Lương), trong lúc Ba cũng tản cư về phía khác không gặp nhau. Khi Ba hồi cư đầu năm 1947, mới biết chú Tá lúc tản cư ở nhà quê bị trúng mảnh bom của máy bay, bị thương trở về Huế thì bị quân Pháp (bọn mật thám) bắt vì có người điềm chỉ là làm an ninh cho VM. Thế là mất tích. Ba về Huế nhờ người tìn mãi không ra. Vợ lấy chồng khác. Chú Tá lúc nhỏ thì ở với Bà Nội và Bác Hy. Lớn lên, lúc Ba ở Hà nội, Chú có ra ở với Ba và Cô Ngọc một thời gian (hình như nhà ở đường Hàng Lọng), sau Ba về làm việc ở Huế thì chú cùng đi với Ba cho đến lúc lấy vợ mới ở riêng tại nhà mẹ vợ trong Thành Nội.
• Từ nhỏ cho đến khi có vợ có con, chú Tá chẳng lúc nào làm ăn thịnh vượng, Ba luôn luôn phải giúp đỡ, tiền bạc, gạo cơm đủ thứ.
• Chú Tá có 4 con trai : Đào đăng Phong, Đào đăng Dũng, Đào đăng Hùng, Đào đăng Phú.
• Cả 4 người lớn lên có học hành, đi quân dịch, đều làm sĩ quan (Phong Thiếu tá, Hùng Trung úy, Phú Thiếu úy, Dũng làm Cán bộ Nông thôn. Phong, Hùng làm việc tại Huế, Phú tại Kontum hay Pleiku gì đó. Dũng làm ở Bình Dương và Saigon. Ba đứa sĩ quan sau đều bị VC bắt đi trại Cải tạo 5, 7 năm. Sau khi ra trại thì kẹt hết ở Saigon. Ba cố gắng gởi quà gởi tiền về giúp đỡ, nhưng Ba cũng không đủ sức giúp hết mọi gia đình còn ở VN.
• Bọn Phong có mấy em cùng mẹ khác cha, có 2 người đi Hoa Kỳ học và làm ăn khá, có Nguyễn văn Hồng lấy vợ Mỹ (làm nghề nurse tại bệnh viện), và dạy Đại học ở miền Đông Hoa Kỳ (Pennsylvania) có thư từ liên lạc với Ba, và thỉnh thoảng cũng có giúp đỡ bọn Phong.
• Mẹ Phong (Bùi Thị Khuê, sinh năm 1916, Bính Thìn) đã chết vì bệnh tiểu đường sao đó (1985), làm anh em Phong cũng hết nhờ, vì Thím ấy buôn bán giỏi, có lúc có tiền khá, nuôi con cái tận tâm. Có lúc cần gì Ba cũng có giúp đôi chút. Lúc đi Huế cổ động ứng cử Thượng viện, Ba và Khôi có ở nhà Thím mấy ngày và cho Phong tiền để làm công tác cổ động cho liên danh Kỳ Lân của Ba.

5 comments:

DaoDang said...
This comment has been removed by the author.
DaoDang said...
This comment has been removed by the author.
DaoDang said...

Ra tết này (2022, Nhâm Dần) , sẽ sơn, tô trát lại mộ ông Đào Đăng Hưng tại chùa Quảng Tế.

đỗ minh điền said...

Kính chào tất cả quý bác. Hiện tại cháu ở Huế rất muốn tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đào Đăng Vỹ, rất mong các bác, các chú hoan hỷ chia sẻ thêm thông tin về cụ được không ạ. Xin cảm tạ tấm lòng các bác.

tạp hóa Faxuca said...

Tôi là Phạm Xuân Cần, chuyên nghiên cứu về lịch sử thành phố Vinh, Nghệ An. Tôi đang tìm hiểu tư liệu và thông tin để viết về nhân vật Đào Đăng Hy, tác giả cuốn Đia dư tỉnh Nghệ An và một vài công trình khác. Rất mong được kết nối với con cháu của cụ.