Hạnh Phúc và Đau khổ
Trần Văn Giang
Dù ở đâu, vào lúc nào, mọi người cũng đều mong ước một điều: được sống trong hạnh phúc và không bị đau khổ. Nhưng có rất ít người hiểu được cái cơ nguyên thực sự của hạnh phúc và đau khổ.
Mọi người, với một suy nghĩ thật đơn giản, tin là người và vật chung quanh mình chẳng hạn như thân nhân, bạn bè, thực phẩm, tiền bạc … là nguyên nhân của những hạnh phúc và đau khổ. Vì vậy, khi sống, để làm cho hạnh phúc sung xướng hơn, mọi người sẽ cố gắng tìm thêm bạn tốt, làm nhiều tiền, mua xe nhà đẹp, ăn cao lương mỹ vị …. Nhưng qua kinh nghiệm, và nếu nhìn cho kỹ hơn, những người và vật mà mình mong muốn cũng chính là những cái sẽ mang đến sự đau khổ.
Thực phẩm dùng ngon miệng hàng ngày cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh tật. Vật dụng chúng ta xử dụng hàng ngày cũng thải ra hoặc mang các chất độc, khí độc làm ô nhiễm môi sinh - làm không khí để thở và nước để uống dơ bẩn. Chúng ta cảm thấy sung sướng, tự do và hãnh diện khi được làm chủ một chiếc xe mới. Đồng thời cũng chính chiếc xe, có thể gây ra sự tàn phế hoặc mất mạng vì tai nạn. Ngay cả người thân trong gia đình và ban bè những người đã từng làm cho cuộc đời của chúng ta cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ cũng có thể, vào lúc nào đó, đem lại những ưu tư, lo lắng và đau khổ.
Sự tiến bộ mau chóng của kỹ thuật càng ngày càng làm đời sống có nhiều tiện nghi hơn. Nhưng ngược lại, hạnh phúc của con người không gia tăng thêm chút nào. Còn có thể nói là sự đau khổ, những khó khăn của cuộc sống còn gia tăng thêm mỗi ngày là đằng khác.
Như vậy, rõ ràng là muốn tìm được giải thoát, muốn đi ra khỏi sự đau khổ, con người không thể tìm được từ người và sự vật ở chung quanh. Hạnh phúc và đau khổ là vấn đề tâm linh, nội tâm. Chúng ở ngay bên trong con người của chúng ta chứ không phải ở bên ngoài. Nếu cái tâm yên ổn thì chúng ta thấy hạnh phúc. Ngọai vật, dù có tốt đẹp cách mấy cũng chưa thể tạo ra hạnh phúc thực sự.
Hạnh phúc vẫn được xem là cao đẹp nhất rồi cũng có lúc sẽ dẫn đến đau khổ và điêu tàn. Nhìn những con thiêu thân nhảy múa, bay lượn ồn ào trước những ánh lửa. Chúng cũng giống y hệt như con người lao mình vào những cuộc hành trình tìm hạnh phúc.
Những người giầu có như những ông CEO của các công ty lớn như World Com , Enron những danh tài thể thao như Mike Tyson, OJ Simpson rồi cũng vào tù. Họ không phải là những trường hợp ngọai lệ. Họ chỉ là những người được chúng ta nhận ra dễ dàng hơn thôi. Từ ngàn xưa, con người đã nhận thấy rằng cuối con đường hạnh phúc là sự đau khổ. Làm cách nào để giải thích hạnh phúc là mầm mống của đau khổ và ngược lại đau khổ là mầm mống của hạnh phúc!
Có giả thuyết là là con người bị đau khổ vì đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ. Có thể là chính họ đi tìm hạnh phúc mà không hiểu hạnh phúc là gì ? Ngay vào lúc hạnh phúc có sẵn trước mặt, nằm trong tay mà cũng không biết, vẫn đi tìm !
Cuộc đời luôn luôn là sự phối hợp thật linh động giữa hạnh phúc và đau khổ. Có ai tránh ra khỏi sự buồn rầu và sự chết. Không có cái hạnh phúc nào là hoàn hảo. Thí dụ, có những hình ảnh của cuộc đời vẫn được xem là hạnh phúc như sau:
- Người cha sau bao nhiêu năm mơ ước có được một đứa con. Hôm nay tuổi đã già, đầu đã bạc mới đón nhận được đứa con của mình trên hai cánh tay.
- Người mẹ nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của đứa con mới sinh ra sau bao nhiêu ngày giờ mang nặng đẻ đau.
Những hình ảnh hạnh phúc này đều đi ra từ những cơn đau dài. Ông trời hình như có cách để đưa đến tận tay những người đau khổ những món quà quí giá.
Có nhiều con đường để đi tìm hạnh phúc. Xã hội Tây Phương giầu về vật chất, phương tiện và cơ hội cho nên người Tây Phuơng nhắm vào các khía cạnh tích cực của cuộc sống khi đi tìm hạnh phúc, cái vui. Họ cố gắng tạo ra thật nhiều hoàn cảnh để vui và làm giảm bớt các điều đau khổ ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Người Á Đông tìm đến hạnh phúc tựu chung với tính cách tiêu cực. Sự chịu đựng, sự kiện nhẫn, sự vô vi, sự thầm kín để tạo cái vui bằng cách gói gém, che phủ các nỗi buồn, ti61ng khóc thầm …. Hoặc dùng ngay các sự buồn để phát triển các niềm vui – cúng giỗ chẳng hạn. Đi tìm hạnh phúc tiêu cực chỉ có ở các xứ nghèo và khổ, đầy dẫy những thất vọng và sự vô nghĩa.
Con người sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc nếu chỉ sống có một mục đích là tìm hạnh phúc. Rất nhiều triết gia tên tuổi đồng ý là:
“ Hạnh phúc không phải là điểm đến [mục đích] mà chính là cuộc hành trình đi đến cái điểm đến đó.”
Hạnh phúc cũng có khi được đồng hóa với sự tư hữu – những gì mình có -- có vợ đẹp con khôn, có nhà cao của rộng, có danh vọng, có xe mới .. Đau khổ thì đồng nghĩa những gì mình không có hoặc đã có mà bị mất đi: thân nhân hoặc bạn hữu của mình qua đời, cháy nhà, mất của, mất việc … Sự “mất” hoặc “còn” là chuyện nằm ngoài tầm tay của mình. Ngoài ra nếu nhận xét cho kỹ, chẳng có mất gì cả. Tất cả mọi vật, mọi sự đều tìm cách trở về cái chỗ nguyên thủy của nó. Nói một cách khác là mình không làm chủ cái gì hết. Tất cả đều là của mình một cách tạm thời, giai đoạn. Chỉ có một điều làm cho mình cao cả hơn người khác là làm tròn bổn phận của mình. Khi sự vật còn đang ở trong tay mình thì mình nên có bổn phận phải chăm sóc và thương yêu; hay ít ra đừng làm cho nó hư hao. Y hệt như mình đối xử với căn phòng mình ở tạm qua đêm của khách sạn. Mình sẽ trả lại căn phòng cho chủ khách sạn ngày hôm sau. Nhưng hôm nay mình vẫn có bổn phận giữ gìn nó ở trong tình trạng tốt [đó là chưa nói đến chuyện không muốn bị trả tiền phạt!]
Chúng ta chỉ có điên hay ngớ ngẩn mới mong thân nhân và bằng hữu mình sống mãi không chết. Khi ông cụ tôi qua đời, trong lúc việc chôn cất đang tiến hành ở nghĩa trang, Thầy Minh Mẫn có nói một câu mà tôi thấy rất chí tình:
“Ở cái thế giới nầy tất cả đều tạm thời cả. Không có gì là vĩnh cửu. Bố con không chết, mà bố con “đi về.” Đi về cõi xa, nơi đó không có đau khổ và buồn. Gia đình con buồn nhưng cũng đừng buồn qúa. Như vậy bố con sẽ không đi về được mà hồn cứ bị vương vấn ở cái cõi tạm này vì sự thương lụy của gia đình con. Không biết đến bao giờ mới đi được!”
Trịnh Công Sơn trong một bài văn tựa đề “Một Cõi Đi Về” mà ông viết về cái chết của vợ một người bạn thân của ông đại ý là:
“Một người thân của mình qua đời không có nghĩa là gia đình mình bị mất một người. Mình phải nhìn sự chết như là đưa một người ra ga xe lửa. Một đầu ga mất một người, thì ở cuối cuộc hành trình, đầu ga kia sẽ được đón nhận thêm một người. Chẳng có gì mất cả!”
Phật giáo cho rằng nguồn gốc tối cao của mọi sự đau khổ là sự thèm muốn. Muốn được nhiều mà chỉ nhận được ít thì sẽ đau khổ. Như vậy muốn có hạnh phúc và tự do thì mình chỉ mong muốn một cách đơn giản, không quá đáng. Nếu không, sự sống sẽ chẳng khác gì đi làm nô lệ. Tự đưa thân thể và cuộc đời mình cho người khác điều khiển và kiểm soát. Mọi người nên sống một cách thanh đạm, vừa phải giống như đang ngồi ở trên bàn tiệc. Người ta dọn món gì thì mình tuỳ nghi dùng món đó trong giới hạn của mình. Không nhìn qua bàn khác để xem bàn khác có những cái gì mình không có rồi đòi hỏi ! Hãy lấy một ít để đủ dùng khi nó đang ở trước mặt mình. Không cần phải phàn nàn gì cả ! Cái thái độ này cũng nên được đem áp dụng cho các vấn để gia đình, tiền bạc và danh vọng … Chúng ta sẽ thấy thảnh thơi, yên tâm.
Khi gặp phải chuyện không vui; chẳng hạn như con cái khó dậy, công việc làm khó khăn … mình phải cố gắng chịu đựng rồi tìm cách tốt nhất để giải quyết. Có khóc thì cũng chẳng có ai thật long bận tâm thương xót. Trong một vở kịch, vai trò phải đóng theo câu chuyện được viết; chứ không có trường hợp câu chuyện phải theo người đóng kịch. Vở kịch ngắn, đóng ngắn. Vở kịch dài, đóng dài. Người đóng cố gắng làm tròn vai trò của mình. Để người khác đóng vai trò của họ. Khi phải đối phó với một chuyện buồn, không để chuyện buồn hủy diệt mình mà phải nghĩ là sự thương lụy, buồn rầu có thể làm hại sức khỏe, hại gia đình và tài sản của mình. Xem một tin buồn như chuyện phải lưu tâm là đủ rồi. Cứ tạm nghĩ đến cái chết của người khác để mình thấy cảm ơn trời đất còn cho mình sống; và để bớt đòi hỏi một cách vô lý.
Những gì trong tầm tay của mình mà có thể làm được cách dễ dàng thì cũng không nên kiêu ngạo, tỏ ra quan trọng. Mục đích của là chỉ muốn đầu óc được thảnh thơi. Muốn như vậy, chỉ có cách duy nhất là không cần can dự vào những chuyện gì nằm ngoài tầm tay, ngoài sự kiểm soát của mình.
Cái tâm không yên, bởi vì cứ tưởng là người khác có ý định nói xấu hay sỉ nhục mình. Có biết đâu chính vì sự vội vàng, thái độ hoặc cảm nghĩ của chính mình đã làm mình kết luận như vậy.
Nói tóm lại, nếu không cần tiền, không cần danh vọng, không mong muốn cao vọng gì cả thì chúng ta sẽ là người sống hạnh phúc nhất trên quả đất này.
Thân mến.
Trần Văn Giang
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment