Friday, January 19, 2007

Hanh Phúc Ở Nơi Nào?

Hạnh phúc ở nơi nào?


Chúng ta cứ tự nhủ lòng cuộc sống rồi sẽ khả quan hơn khi chúng ta có đôi bạn và sinh con đẻ cái. Thế đấy nhưng rồi chúng ta lại cáu giận vì con cái mãi không khôn lớn đủ, tưởng như chúng khôn lớn đủ thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Chúng ta càng cáu giận hơn khi chúng bước vào tuổi niên thiếu, đòi hỏi cha me ïphải đối đầu và chúng ta lại hy vọng chắc chắn rồi sẽ hạnh phúc khi chúng qua khỏi giai đoạn này.
Chúng ta cứ tự nhủ cuộc sống sẽ tràn trề vui thỏa khi chúng ta tậu được nhà đẹp, đi du lịch xa hoặc khi chúng ta về hưu.
Thực tế là không có lúc nào hạnh phúc hơn giây phút hiện tại đâu! Bạn lắc đầu ư? Vậy theo bạn, đó là lúc nào vậy?
Cuộc sống của bạn sẽ chỉ toàn là thất bại nếu bạn cứ chia động từ ở thì tương lai. Tốt nhất, bạn nên nhìn nhận điều đó đi và hãy quyềt định sống hạnh phúc cho dầu sự thể thế nào.
Có một thời gian dài, tôi cảm giác dường như cuộc sống thật sự của tôi sắp sửa bắt đầu. Thế nhưng tôi luôn luôn gặp trở ngại trên đường đi, có khi là một thử thách phải vượt qua, một khoảng thời gian phải hy sinh, một công việc phải hoàn tất, một món nợ phải trả trong khi dòng đời vẫn trôi chảy. Sau cùng, tôi ý thức rằng tất cả những trở ngại kia chính là đời sống. Cách nhìn này giúp tôi nhận ra chẳng có con đường nào đưa tới hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường ta dẫm bước mỗi ngày...
Vậy thì, bạn ơi, hãy biết thưởng thức từng giây phút của đời người. Thôi đừng chờ tới ngày ra trường hay ngày vào trường, đừng chờ đọc xong mười cuốn sách hay mua được mười cuốn sách, đừng chờ tới lúc có công ăn việc làm, tới lúc thành hôn, tới chiều thứ sáu, sáng chủ nhật, tới khi mua ô tô mới, trả hết nợ, mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, ngày đầu tháng, ngày giữa tháng, khi bản nhạc bạn viết được đài phát thanh phát đi, khi chết, khi tái sinh mà hãy vui hưởng hạnh phúc ngay đi!
Hạnh phúc là cuộc hành trình, không là điểm tới. Không có khoảng khắc thời gian nào để hạnh phúc hơn là giây phút hiện tại. Hãy biết sống và hãy trân quý hiện tại!
Giờ đây, bạn nghĩ cho kỹ nhé và cố trả lời mấy câu hỏi sau:
1/ Hãy kể tên 5 người giầu nhất trên mặt đất này.
2/ Hãy kể tên 5 cô đoạt danh hiệu hoa hậu thế giới gần đây nhất.
3/ Hãy kể tên 10 người đoạt giải Nobel gần đây nhất.
4/ Hãy kể tên 10 tài tử đoạt giải Oscar diễn viên xuất sắc gần đây nhất.
Bạn chịu thua, phải không? Khó quá ư? Bạn đừng hốt hoảng nhé vì không ai nhớ cả!
Tiếng vỗ tay hoan hô rồi sẽ lịm tắt.
Các huân chương rồi chỉ còn bụi phủ.
Tên những người thắng giải rồi sẽ mờ phai.
Giờ đây, bạn hãy trả lời những câu hỏi này:
1/ Hãy kể tên 3 vị thầy cô giáo đã dạy dỗ bạn nên người.
2/ Hãy kể tên 3 người bạn đã giúp đỡ bạn trong lúc ngặt nghèo.
3/ Hãy nhắc lại vài người đã từng cho bạn cảm giác bạn rất đặc biệt.
4/ Hãy kể tên 5 người bạn thường ao ước được ở bên cạnh.
Bạn có ngay câu trả lời rồi, phải không? Dễ quá chăng?
Những người khiến cho đời sống của bạn có một chút ý nghĩa không nhất thiết phải giầu có nứt đố đổ vách hay từng đoạt nhiều giải thưởng...nhưng là những ai lo toan về bạn, săn sóc bạn, những người luôn sát cánh với bạn trong mọi hoàn cảnh.
Hãy nghĩ mà xem, đời sống thật sự ngắn ngủi, bạn muốn tên bạn ở trong danh sách nào đây? Bạn chưa biết ư? Để tôi phụ với bạn một tay nhé! Bạn không cần phải là một trong số các danh nhân nổi tiếng nhưng tôi rất nhớ bạn để gửi lời nhắn nhủ này...
Mới đây thôi, tại cuộc thi Olympiades de Seattle, 9 “lực sĩ”tật nguyền (tâm linh hay thể lý) sắp hàng ở điểm khởi hành để đi một chặng đường dài 100 thước.
Sau phát súng lệnh, cuộc đua bắt đầu. Không ai trong bọn họ chạy được nhưng tất cả đều muốn tham dự và thắng cuộc.
Họ tiến lên hàng 3, một cậu té xuống sân, lăn mấy vòng rồi khóc. Cả 8 người kia cùng nghe, họ cùng chậm bước và ngoái nhìn về phía sau. Rồi, họ dừng hẳn, đi ngược trở lại khúc đường đã qua.
Một cô bị bệnh Down, ngồi thụp xuống bên cạnh cậu, vỗ về cậu và hỏi: “Bạn có thấy dễ chịu hơn tý nào không?”Sau đó, cả 9 người vịn vào vai nhau mà tiến bước về mức tới của cuộc đua.
Cả đấu trường đứng dậy vỗ tay hoan hô đoàn lực sĩ, tiếng reo hò tán thưởng vang rền...
Rất lâu về sau, những ai đã chứng kiến cuộc đua này còn nhắc nhở mãi. Bởi vì từ đáy lòng mỗi người, chúng ta hiểu rằng, trong cuộc sống, điều quan trọng nhất không phải chỉ là thắng lợi cá nhân mà chính là giúp người khác cùng thắng cho dù vì thế mà chúng ta phải bước chậm lại hoặc ngay cả thay đổi dòng chẩy.
Nếu bạn để mắt đọc những giòng chữ này, may ra chúng ta có thể cùng nhau thấy lòng chúng ta như mới... Một ngọn nến sẽ không mất đi nếu nó đốt lên một ngọn nến khác.
Vậy, bạn có đọc không hay là vội ném nó vào sọt rác?
Hạnh Phúc và Đau khổ


Trần Văn Giang


Dù ở đâu, vào lúc nào, mọi người cũng đều mong ước một điều: được sống trong hạnh phúc và không bị đau khổ. Nhưng có rất ít người hiểu được cái cơ nguyên thực sự của hạnh phúc và đau khổ.

Mọi người, với một suy nghĩ thật đơn giản, tin là người và vật chung quanh mình chẳng hạn như thân nhân, bạn bè, thực phẩm, tiền bạc … là nguyên nhân của những hạnh phúc và đau khổ. Vì vậy, khi sống, để làm cho hạnh phúc sung xướng hơn, mọi người sẽ cố gắng tìm thêm bạn tốt, làm nhiều tiền, mua xe nhà đẹp, ăn cao lương mỹ vị …. Nhưng qua kinh nghiệm, và nếu nhìn cho kỹ hơn, những người và vật mà mình mong muốn cũng chính là những cái sẽ mang đến sự đau khổ.

Thực phẩm dùng ngon miệng hàng ngày cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh tật. Vật dụng chúng ta xử dụng hàng ngày cũng thải ra hoặc mang các chất độc, khí độc làm ô nhiễm môi sinh - làm không khí để thở và nước để uống dơ bẩn. Chúng ta cảm thấy sung sướng, tự do và hãnh diện khi được làm chủ một chiếc xe mới. Đồng thời cũng chính chiếc xe, có thể gây ra sự tàn phế hoặc mất mạng vì tai nạn. Ngay cả người thân trong gia đình và ban bè những người đã từng làm cho cuộc đời của chúng ta cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ cũng có thể, vào lúc nào đó, đem lại những ưu tư, lo lắng và đau khổ.

Sự tiến bộ mau chóng của kỹ thuật càng ngày càng làm đời sống có nhiều tiện nghi hơn. Nhưng ngược lại, hạnh phúc của con người không gia tăng thêm chút nào. Còn có thể nói là sự đau khổ, những khó khăn của cuộc sống còn gia tăng thêm mỗi ngày là đằng khác.

Như vậy, rõ ràng là muốn tìm được giải thoát, muốn đi ra khỏi sự đau khổ, con người không thể tìm được từ người và sự vật ở chung quanh. Hạnh phúc và đau khổ là vấn đề tâm linh, nội tâm. Chúng ở ngay bên trong con người của chúng ta chứ không phải ở bên ngoài. Nếu cái tâm yên ổn thì chúng ta thấy hạnh phúc. Ngọai vật, dù có tốt đẹp cách mấy cũng chưa thể tạo ra hạnh phúc thực sự.

Hạnh phúc vẫn được xem là cao đẹp nhất rồi cũng có lúc sẽ dẫn đến đau khổ và điêu tàn. Nhìn những con thiêu thân nhảy múa, bay lượn ồn ào trước những ánh lửa. Chúng cũng giống y hệt như con người lao mình vào những cuộc hành trình tìm hạnh phúc.

Những người giầu có như những ông CEO của các công ty lớn như World Com , Enron những danh tài thể thao như Mike Tyson, OJ Simpson rồi cũng vào tù. Họ không phải là những trường hợp ngọai lệ. Họ chỉ là những người được chúng ta nhận ra dễ dàng hơn thôi. Từ ngàn xưa, con người đã nhận thấy rằng cuối con đường hạnh phúc là sự đau khổ. Làm cách nào để giải thích hạnh phúc là mầm mống của đau khổ và ngược lại đau khổ là mầm mống của hạnh phúc!

Có giả thuyết là là con người bị đau khổ vì đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ. Có thể là chính họ đi tìm hạnh phúc mà không hiểu hạnh phúc là gì ? Ngay vào lúc hạnh phúc có sẵn trước mặt, nằm trong tay mà cũng không biết, vẫn đi tìm !

Cuộc đời luôn luôn là sự phối hợp thật linh động giữa hạnh phúc và đau khổ. Có ai tránh ra khỏi sự buồn rầu và sự chết. Không có cái hạnh phúc nào là hoàn hảo. Thí dụ, có những hình ảnh của cuộc đời vẫn được xem là hạnh phúc như sau:

- Người cha sau bao nhiêu năm mơ ước có được một đứa con. Hôm nay tuổi đã già, đầu đã bạc mới đón nhận được đứa con của mình trên hai cánh tay.

- Người mẹ nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của đứa con mới sinh ra sau bao nhiêu ngày giờ mang nặng đẻ đau.

Những hình ảnh hạnh phúc này đều đi ra từ những cơn đau dài. Ông trời hình như có cách để đưa đến tận tay những người đau khổ những món quà quí giá.

Có nhiều con đường để đi tìm hạnh phúc. Xã hội Tây Phương giầu về vật chất, phương tiện và cơ hội cho nên người Tây Phuơng nhắm vào các khía cạnh tích cực của cuộc sống khi đi tìm hạnh phúc, cái vui. Họ cố gắng tạo ra thật nhiều hoàn cảnh để vui và làm giảm bớt các điều đau khổ ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Người Á Đông tìm đến hạnh phúc tựu chung với tính cách tiêu cực. Sự chịu đựng, sự kiện nhẫn, sự vô vi, sự thầm kín để tạo cái vui bằng cách gói gém, che phủ các nỗi buồn, ti61ng khóc thầm …. Hoặc dùng ngay các sự buồn để phát triển các niềm vui – cúng giỗ chẳng hạn. Đi tìm hạnh phúc tiêu cực chỉ có ở các xứ nghèo và khổ, đầy dẫy những thất vọng và sự vô nghĩa.

Con người sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc nếu chỉ sống có một mục đích là tìm hạnh phúc. Rất nhiều triết gia tên tuổi đồng ý là:

“ Hạnh phúc không phải là điểm đến [mục đích] mà chính là cuộc hành trình đi đến cái điểm đến đó.”

Hạnh phúc cũng có khi được đồng hóa với sự tư hữu – những gì mình có -- có vợ đẹp con khôn, có nhà cao của rộng, có danh vọng, có xe mới .. Đau khổ thì đồng nghĩa những gì mình không có hoặc đã có mà bị mất đi: thân nhân hoặc bạn hữu của mình qua đời, cháy nhà, mất của, mất việc … Sự “mất” hoặc “còn” là chuyện nằm ngoài tầm tay của mình. Ngoài ra nếu nhận xét cho kỹ, chẳng có mất gì cả. Tất cả mọi vật, mọi sự đều tìm cách trở về cái chỗ nguyên thủy của nó. Nói một cách khác là mình không làm chủ cái gì hết. Tất cả đều là của mình một cách tạm thời, giai đoạn. Chỉ có một điều làm cho mình cao cả hơn người khác là làm tròn bổn phận của mình. Khi sự vật còn đang ở trong tay mình thì mình nên có bổn phận phải chăm sóc và thương yêu; hay ít ra đừng làm cho nó hư hao. Y hệt như mình đối xử với căn phòng mình ở tạm qua đêm của khách sạn. Mình sẽ trả lại căn phòng cho chủ khách sạn ngày hôm sau. Nhưng hôm nay mình vẫn có bổn phận giữ gìn nó ở trong tình trạng tốt [đó là chưa nói đến chuyện không muốn bị trả tiền phạt!]

Chúng ta chỉ có điên hay ngớ ngẩn mới mong thân nhân và bằng hữu mình sống mãi không chết. Khi ông cụ tôi qua đời, trong lúc việc chôn cất đang tiến hành ở nghĩa trang, Thầy Minh Mẫn có nói một câu mà tôi thấy rất chí tình:

“Ở cái thế giới nầy tất cả đều tạm thời cả. Không có gì là vĩnh cửu. Bố con không chết, mà bố con “đi về.” Đi về cõi xa, nơi đó không có đau khổ và buồn. Gia đình con buồn nhưng cũng đừng buồn qúa. Như vậy bố con sẽ không đi về được mà hồn cứ bị vương vấn ở cái cõi tạm này vì sự thương lụy của gia đình con. Không biết đến bao giờ mới đi được!”

Trịnh Công Sơn trong một bài văn tựa đề “Một Cõi Đi Về” mà ông viết về cái chết của vợ một người bạn thân của ông đại ý là:

“Một người thân của mình qua đời không có nghĩa là gia đình mình bị mất một người. Mình phải nhìn sự chết như là đưa một người ra ga xe lửa. Một đầu ga mất một người, thì ở cuối cuộc hành trình, đầu ga kia sẽ được đón nhận thêm một người. Chẳng có gì mất cả!”

Phật giáo cho rằng nguồn gốc tối cao của mọi sự đau khổ là sự thèm muốn. Muốn được nhiều mà chỉ nhận được ít thì sẽ đau khổ. Như vậy muốn có hạnh phúc và tự do thì mình chỉ mong muốn một cách đơn giản, không quá đáng. Nếu không, sự sống sẽ chẳng khác gì đi làm nô lệ. Tự đưa thân thể và cuộc đời mình cho người khác điều khiển và kiểm soát. Mọi người nên sống một cách thanh đạm, vừa phải giống như đang ngồi ở trên bàn tiệc. Người ta dọn món gì thì mình tuỳ nghi dùng món đó trong giới hạn của mình. Không nhìn qua bàn khác để xem bàn khác có những cái gì mình không có rồi đòi hỏi ! Hãy lấy một ít để đủ dùng khi nó đang ở trước mặt mình. Không cần phải phàn nàn gì cả ! Cái thái độ này cũng nên được đem áp dụng cho các vấn để gia đình, tiền bạc và danh vọng … Chúng ta sẽ thấy thảnh thơi, yên tâm.

Khi gặp phải chuyện không vui; chẳng hạn như con cái khó dậy, công việc làm khó khăn … mình phải cố gắng chịu đựng rồi tìm cách tốt nhất để giải quyết. Có khóc thì cũng chẳng có ai thật long bận tâm thương xót. Trong một vở kịch, vai trò phải đóng theo câu chuyện được viết; chứ không có trường hợp câu chuyện phải theo người đóng kịch. Vở kịch ngắn, đóng ngắn. Vở kịch dài, đóng dài. Người đóng cố gắng làm tròn vai trò của mình. Để người khác đóng vai trò của họ. Khi phải đối phó với một chuyện buồn, không để chuyện buồn hủy diệt mình mà phải nghĩ là sự thương lụy, buồn rầu có thể làm hại sức khỏe, hại gia đình và tài sản của mình. Xem một tin buồn như chuyện phải lưu tâm là đủ rồi. Cứ tạm nghĩ đến cái chết của người khác để mình thấy cảm ơn trời đất còn cho mình sống; và để bớt đòi hỏi một cách vô lý.

Những gì trong tầm tay của mình mà có thể làm được cách dễ dàng thì cũng không nên kiêu ngạo, tỏ ra quan trọng. Mục đích của là chỉ muốn đầu óc được thảnh thơi. Muốn như vậy, chỉ có cách duy nhất là không cần can dự vào những chuyện gì nằm ngoài tầm tay, ngoài sự kiểm soát của mình.

Cái tâm không yên, bởi vì cứ tưởng là người khác có ý định nói xấu hay sỉ nhục mình. Có biết đâu chính vì sự vội vàng, thái độ hoặc cảm nghĩ của chính mình đã làm mình kết luận như vậy.

Nói tóm lại, nếu không cần tiền, không cần danh vọng, không mong muốn cao vọng gì cả thì chúng ta sẽ là người sống hạnh phúc nhất trên quả đất này.



Thân mến.

Trần Văn Giang

Sunday, January 14, 2007

Gia Phả Họ Đào

GIA PHẢ HỌ ĐÀO


GIA PHẢ HỌ ĐÀO
(Lập năm 1986)

( Nguyên bản gồm 51 trang 21 x 33
do Đào Đăng Vỹ viết tay, theo hình thúc kể chuyện lại cho các con của ông)

(A) Nguồn Gốc bên Ngoại:

Bên Ngoại Ba thuộc Hoàng phái, tức dòng họ nhà Nguyễn (Nguyễn Phước tộc). Bà Cố Ngoại các con tức là Bà Ngoại của Ba, lúc nhỏ đã nuôi nấng săn sóc Ba còn hơn mẹ nữa (vì mẹ lúc ấy đã có em nhỏ).
Bà Ngoại Ba tên là Công Nữ Khả Thưởng (bà con bên Hoàng phái thường gọi là Mệ Chín), con ngài Phù Cát Quận Vương, tức Bà thuộc Phòng Phù Cát, trước có Phủ Đệ ở Phường Phù Cát, phía Gia Hội, cùng nhiều Phủ đệ của các Hoàng tử khác.
Phù Cát Quận Vương tức là Phù Cát Quận Công có lúc đã làm Nhiếp Chánh Đại Thần (nắm quyền cai trị thay vua) cho vua Duy Tân. Có lẽ đây cũng là tên của An Thành Công, sau lên An Thành Vương, con của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. An Thành Vương tên là Miên Lịch (không rõ An Thành và Phù Cát có phải là một hay không, vì lúc còn nhỏ, Ba không rõ lắm, đến khi lớn thì quên vì đã quá lâu, hơn sáu bảy chục năm). Con Hoàng tử cũng gọi là Quận chúa, con vua và công chúa.
Mấy vị Công và Vương trên đây đều là anh em vua Thiệu Trị, chú bác vua Tự Đức, và đồng là Hoàng tử, con vua Minh Mạng, cháu nội vua Gia Long (Nguyễn Aùnh).
Bà Cố không rõ sanh năm nào, nhưng chết năm 1928 (tháng 8?), tức là môt năm sau khi Ba đã bãi khóa và bỏ học trường Quốc Học, khi đã lên lớp Tứ niên và sắp đi thi bằng Thành Chung (Diplôme).
Bà Cố lúc sinh thời chỉ mong Ba đậu Diplôme rồi ra làm việc Giáo học (Instituteur) hay Thông phán (Sécrétaire des Résidences) như mọi người thời bấy giờ. Nhưng Ba đã bãi khóa ở Huế (năm 1927, cùng một lần với bọn Võ Nguyên Giáp, học dưới Ba hai lớp), thì Bà Cố đang ở chơi tại Thanh Hóa, lúc ra thăm Cô Ngọc, và có lúc Ba vô ở với người cháu gọi bằng Cô lúc bấy giờ đang làm Tổng Đốc Thanh Hóa: đó là Cụ Tổng Đốc Ưng Dinh, trước đã làm Tham Tri (chức quan, nhỏ hơn Thượg Thư, của các bộ thuộc triều đình Huế) tại Nam triều và Bộ ở gần nhà Ba trong Thành Nội (lúc ấy có cả Bà Cố ở với Bà Nội và các cháu ngoại).
Bà Cố sau về thăm Bà Nội và Bác Đào Đăng Hy, lúc ấy đang làm Huấn Đạo Hiệu Trưởng trường Phủ Tư Nghĩa. Sau bà Cố bi bệnh và mất ở Tư Nghĩa, và chôn gần cạnh núi Hùm, gần đại lộ chạy ra tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Lúc đó Ba đang ở Hà Nội với Cô Ngọc, và sau đã về thăm mộ Bà Cố. Lúc ở Saigon Ba cũng có ra thăm mộ, lúc đó ứng cử nghị sĩ, và trước đó đã nhờ người lập bia đá có khắc tên Bà Cô và tên các cháu là: tên Bác Hy, tên Ba, v.v… (Tên An Thành Công Miên Lịch có ghi trong sách Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược (tác giả là bạn học của Ba lúc nhỏ).
Oâng Cố chồng bà Cố là người tỉnh Bình Định, Phủ An Nhơn. Lúc trẻ ông làm quan tại Quy Nhơn, tỉnh lỵ tỉnh Bình Định. Oâng làm quan đồng thời với cụ Tôn Thất Hân sau này làm Thượng Thơ Bộ Hình. Vì là bạn đồng song với ông Cố, nên sau này bà Cố ở trong Thành Nội gần Bộ Hình thỉnh thoảng vào thăm hai ông bà này. Sau cụ Tôn Thất Hân làm Thụ Chánh Thân Thần lúc vua Bảo Đại còn nhỏ đi du học Pháp.
Oâng Cố Ngoại xưa nhà rất giàu, nên làm quan ở Bình Định mà hay ra chơi Kinh Đô, đi đường bộ xa xôi, phải nằm võng do gia nhân và lính gánh hai đầu, người hầu hạ theo đông đảo, gánh vàng và tiền bạc từng gánh nặng ra xài ở đế đô và giao du rất rộng, lui tới đánh bạc, xem hát múa tại các phủ đệ ông Hoàng bà Chúa và các quan lớn. Vì vậy mà một ông quan tỉnh mà cưới được một Quận Chúa con một ông Hoàng tử danh vọng, cháu vua, chú vua (An Thành Vương là con út vua Minh Mạng nên rất được cưng chìu và ăn chơi rất trác táng.
Ông Cố con nhà giàu có tiếng lớn nên được cử làm quan giữ Kho nhà nước ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Vì ham chơi quá và hay bỏ nhiệm sở đi Huế nên sau cùng gặp năm bão lụt đói kém, các kho dự trữ lương thực bị trộm cướp vét sạch… Khi Quan giữ Kho trở về, chỉ còn cách là bán phần lớn ruộng đất ông bà để lại để đền của Kho mới khỏi tội.
Oâng Cố mất thì Bà Cố ra Huế, cùng đem theo hai người con là Bà Nội và Bà Dì (khi nhỏ gọi là Dì Năm, em ruột Dì Bốn ở luôn tại Bình Định, và một anh Cả mất sớm ở Bình Định).
Bà Cố có một người em mà Ba và các bác gọi bằng ông Cậu. Vì là con ông Hoàng nên ông được phong tước “Tá Quốc Khanh”, và chỉ ở nhà coi việc thờ phụng ông bà, và gặp lúc lễ lạc tại Triều thì đi chầu, có khi đi theo chầu đạo Ngư vua đi lễ tế tại Đàn Nam Giao. Vua ngự du xuân theo tục lệ xưa, các Tá Quốc Khanh và Trợ Quốc Khanh (không rõ tại sao có người là Tá, lại có người là Trợ?…). Oâng Cậu này có hai người con: thứ nhất là gái (Dì Đắc, sau có con gái lấy Bữu Mạn làm quan ở các Bộ tại Huế, em Bữu Mạn là Bữu Kế, sau này là tác giả một vài cuốn sách về ngôn ngữ và văn học Việt Nam), và một con trai là Ưng Uẩn bạn thân thiết với Bác Khản, cậu này sau chết sớm.
Bà con thân thiết nhất của Bà Cố là một vị con Bà Chúa, chị An Thành Vương, thường hay gọi là ông Thừa, cha ông là Aám Ồ mất sớm. Bà Aám Ồ sau có một người con gái (cũng là cousin xa của Ba) sau lấy ông Ưng Du (anh của Ưng Thi, chủ rạp Ciné Rex ở Saigon). Ưng Du làm thầu khoán giàu, sau có làm được rạp Ciné Kinh Đô (ở đường lê Văn Duyệt) và rạp Đại Nam ở đường Trần Hưng Đạo. Rạp Kinh Đô sau sửa cho Mỹ thuê đặt cơ sở Usaid, Usom tại đó. (Sau Ưng Du qua Hoa Kỳ. Chết tại Santa Ana vào năm 82, 83 gì đó?)
Lúc ông bà Thừa còn sống ở tại đường Hàng Bè, giàu có. Bà Nội có buôn bán với bà ta. Oâng Thừa làm hai ngôi mộ rất lớn, mỗi ngôi cao rộng bằng cả một ngôi nhà ngói lớn. Hai mộ ấy, một bên thờ bà Chúa, một bên thờ ông Phò, chồng bà. Chung quanh mộ có vườn rất lớn và cả một dãy nhà thờ. Cơ sở này ở gần bên phải đàn Nam Giao, và lúc nhỏ, mỗi lần có cúng kỵ, Ba đều đi theo Bà Cố lên cúng kỵ ở đó.
Lăng ông Hoàng An Thành Vương ở xa hơn, mộ đá và xi măng, nhưng không có nhà thờ ở cạnh.
Bà Cố ra Huế với Bà Nội và Bà Dì. Bà rất thông chữ Hán và chữ Nôm và hay đọc sách, có khi giảng hoặc kể chuyện lại cho Cô Ngọc và Ba nghe. Có khi Bà bảo Ba đi thuê truyện Tàu bằng quốc ngữ đọc cho Bà nghe. Bà lại có tài may vá, nấu ăn và làm bánh mứt rất khéo, và có tính sạch sẻ gọn gàng ngăn nắp. Aùo quần lúc nào cũng thẳng nếp và ướp thơm.

(B) Nguồn Gốc Bên Nội:

• Họ Đào xưa đã sinh sống lâu đời tại tỉnh Hưng Yên, ngoài Bắc Việt. Hưng Yên ở cách Hà nội chừng 40km. lân cận giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Việt Trì.
Giửa thế kỷ 19, các nước Tây phương trở nên hùng cường nhờ những tiến bộ vượt bực về khoa học và công nghiệp. Anh, Pháp v.v... trên đà bành trướng, cần kiếm thị trường để bán sản phẩm công nghiệp và cần chiếm thuộc địa để khai thác nguyên liệu phục vụ công nghiệp. Hai cường quốc này đã lập hai đế quốc rộng lớn ở Phi Châu rồi qua Á Châu.
• Nước Việt từ đời Tây Sơn (vua Quang Trung) rồi qua đời Nguyễn (dưới triều vua Gia Long) đã lớn mạnh sau khi được thống nhất, vượt qua cả Nhật Bản và có thể được coi như quốc gia đứng hàng thứ hai ở Á Đông, chỉ thua Tàu. (Nhật vào thời phong kiến quá chia rẽ vì nạn sứ quân nên rất yếu, hay bị Trung Hoa uy hiếp, và một dãy quần đảo Lưu Cầu luôn luôn bị đặt dưới quyền một Tổng Đốc hay một Tổng Giám Trung hoa). Nhưng về tổ chức quân sự, VN cũng như Tàu, Nhật đã quá xưa nên bị thua to trước khí giới tân tiến và cách tổ chức quân sự khoa học hơn của Tây phương. Nam Kỳ bị Pháp chiếm (1862-1864-1867), rồi đến Bắc Kỳ, Trung Kỳ(1883-1884-1885).
Quân triều đình thất trận nhưng đám sĩ phu (tức là trí thức) không chịu nhận sự đô hộ của ngoại bang, nên khắp nước từ Nam chí Trung, Bắc đã nổi lên Phong trào Văn Thân, rồi phong trào Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy đánh Pháp. Tỉnh nào cũng có quân dân kháng chiến chống Pháp.
• Tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ có rất nhiều đám Văn Thân Cần Vương đánh Pháp rất hăng, nên quân Pháp trả thù đánh lại rất nặng, triệt hạ nhiều làng. Dân quân của ta thua to, các lãnh tụ phải chạy tản mát ra các tỉnh khác. Các nho sĩ họ Đào, nhiều người đã phải đổi tên họ đi ẩn náu tại các tỉnh láng giềng, nhất là ở Bắc Ninh, ở các làng Gia Lâm bên kia sông Nhị Hà, và ở Hà nội (làng Yên Phụ bên bờ đê Yên Phụ, tức là phía Tây hai hồ lớn của ven đô Hà nội là hồ Tây và hồ Trúc Bạch...
Ông Nội đã về ẩn lánh tại Yên Phụ này, làm ông đồ dạy học các thanh thiếu niên quanh vùng, chẳng mấy lúc nổi tiếng là một nhà Nho tinh thông Hán học. Thời thế lần lần được yên, ông Cụ có khi về ở ngay Hà nội và có tậu tại đường Hàng Lọng một ngôi nhà gạch (gần nhà ga xe lửa Hà nội, trên đường Hàng Lọng nhìn ngay ra trước mặt là đường Hàng Cỏ : người Pháp gọi đường Hàng Lọng là Route Mandarine, tức con đường cái quan số 1 chạy vào tận Huế, Qui Nhơn, Saigon, sau khi đã vượt qua Nam Định, Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa và Vinh).
** Nghe kể lại thì đời tổ tiên họ Đào cứ một thế hệ theo nghiệp Văn lại đến một thế hệ theo nghiệp Võ. Một ông Cố họ Đào rất mạnh bạo đã đánh hạ một trâu điên phá làng phá xóm ai ai cũng kính phục. Sau ông thi đậu tiến sĩ Võ và làm quan đến tước Quận công, có lẻ là dưới triều Hậu Lê (Lê Lợi), nếu không phải là đời cuối Trần.

*** Lai lịch ông Nội :
• Thân sinh của Ba (các con gọi là ông Nội) nguyên quán tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Việt. Ông tên là Đào đăng Hưng, sinh năm nào không được rõ, qua đời tại Huế năm 1913.
Vì tham gia phong trào Văn Thân Cần Vương đánh Pháp (đã chiếm toàn cõi VN năm 1885 và Triều đình Huế đã phải ký Hòa ước Harmand 1885), bị quân Pháp trả thù tàn phá làng xóm ở tỉnh Hưng Yên nên ông Nội phải chạy lánh về vùng kế cận Hà nội. Lúc đầu, ông Nội về ở làng Yên Phụ, sau đó tình hình bớt căng thẳng, thì ông về ở Hà nội và có làm một căn nhà ngói ở đường Hàng Lọng, nhưng cũng vẫn dạy học trò ở Yên Phụ. Trong lúc các anh em và nhiều bạn bè đồng chí phải thay tên đổi họ thì ông Nội vẫn giử lấy họ Đào. Ông Nội nổi tiếng hay chữ, giỏi Nho học, văn thơ, được nhiều người khen và mến phục.
Lúc bấy giờ có người Pháp tên Nordeman (người Việt gọi ông là Ngô Đề Mân) làm Giám đốc Học chánh Bắc Kỳ, rất thông Hán học, thông cả chữ Hán và chữ Nôm và nói tiếng Việt (giọng Bắc) rất giỏi, chẳng khác gì người Việt. Ông học nhiều và chuyên nghiên cứu về phong tục và văn học Việt Nam. Và theo thói người Âu Tây, cái gì, chữ gì khó hiểu là muốn tìm người thông thái để hỏi cho tường tận đến gốc rễ, chớ không chịu biết qua loa, mơ hồ. Vì vậy đã nhiều nhà Nho dạy ông một lúc rồi phải chào thua rút lui, vì bị ông ta hỏi quanh co khúc mắc lắm cái không ai trả lời nổi... Không do ai mách bảo, Nordeman nghe tiếng ông Nội nên đi xe ngựa lên làng Yên Phụ tìm ông Nội để thử tài văn học và trình độ hiểu biết xem có cao thâm thật thì ông xin làm học trò để học thêm và nhờ giúp nghiên cứu và giúp dịch sách chữ Hán và chữ Nôm ra quốc ngữ và in thành sách, viết cả sách Pháp văn để phổ biến văn học VN cả cho người Pháp biết. Ông đến Yên Phụ hỏi tên ông đồ họ Đào, thì ông Nội lẫn tránh khỏi nhà, không chịu tiếp vì vẫn còn hận người Pháp cướp nước và đô hộ VN. ... Nhưng ông Nordeman rất kiên nhẫn, không chịu thôị, và tuần nào ông cũng có đến hỏi và chờ đợi cho đến tối mới chịu về. Mấy người làng sợ quá, vì ngại ông quan thực dân này bực tức kiếm cách trả thù thì cả làng mang họa! Họ đợi thầy đồ tối trở về nhà, mấy ông bô lão và người biết chữ trong làng mới đến năn nỉ vừa có ý oán trách : Ộ Sao thầy đồ cứ lánh mặt ông quan người Pháp để ông ta chầu chực mãi mà thầy cứ lánh không chịu tiếp, lỡ làm người giận trả thù thì cả làng chúng tôi chịu sao nổi? Thôi thầy gắng chịu khó tiếp ông ta xem ông ta hỏi gì, không giúp được, thầy sẽ từ chối cũng chưa muộn, chớ thầy cứ tỏ thái độ lạnh nhạt khinh miệt người ta thì khó cho chúng tôi quá! Không lẽ thầy muốn hại đồng bào hay sao? . . .”
Sợ làm phiền người làng, nhất là mình không phải là người gốc ở đây, mà chỉ đến ở trọ tạm thời, thầy đồ đành đợi đến ngày chủ nhật này sẽ ở nhà tiếp khách. Nordeman tuần này cũng đến như các tuần trước. Ông rất vui mừng khi gặp được ông nhà Nho khăn đen áo dài chờ sẵn đón tiếp.
Ông Nội vừa chào vừa hỏi : “Nghe quý quan đến tìm chúng tôi mấy lần không biết có gì dạy bảo?. . . Chúng tôi quê mùa hủ lậu, chỉ sợ không thể đối đáp được với người ngoại quốc nên ngại ngùng tránh né, chớ không có ý gì khác, xin quan lớn miễn lỗi cho! ... Vậy quan lớn có việc gì sai bảo, nếu làm được, chúng tôi đâu dám từ chối? “
- “ Thưa thầy đồ, chúng tôi ở Pháp sang đây, không phải chỉ để làm quan, làm công chức, mà mục đích chính là muốn tìm hiểu dân tình xứ này. Chúng tôi muốn nghiên cứu phong tục và văn học VN mà chúng tôi rất mến phục. Tôi đã học Hán văn, đã đọc và viết được chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ, và như thầy đã thấy chúng tôi đã nói được tiếng Việt. Nhưng trên đường học hỏi, khảo cứu, chúng tôi đã gặp nhiều bậc nhà Nho đã đậu Cử nhân, tiến sĩ cũng không giảng được cho chúng tôi rành mạch, nên chúng tôi còn lắm điều thắc mắc khó chịu. Nghe nhiều người giới thiệu thầy là người thâm Nho mà sự thông thái hiểu biết rộng rải cởi mở tánh tình phóng khoáng hay giúp kẻ dốt hơn mình, nên tôi mạo muội đến nhờ thầy giúp đỡ...”
- “ Chúng tôi quê mùa hủ lậu, chỉ sợ người ta giới thiệu lầm với quý quan đó thôi. Vậy có gì quý quan hay thắc mắc, xin cứ cho biết vài điều, và chữ nghĩa chỗ nào không thông suốt, cứ hỏi xem tôi có giải thích được phần nào chăng?”
Thế là Nordeman đem Tứ Thư Ngũ Kinh ra hỏi. Thầy đồ cố gắng giải đáp thì ông ta rất phục và hết sức hoan hỉ. Ngoài ra, ông còn đem những điều khó hiểu ngoài đời tra vấn thầy đồ. . . . . .
Sau khi nghe và hài lòng về những lời giải đáp, Nordeman đứng dậy vòng tay lễ phép như cử chỉ của người VN xá thầy đồ :
ỘTôi đã học nhiều thầy, quen biết nhiều nhà khoa bảng VN, nhưng chưa thấy ai như thầy. Tôi là người hiếu học, xin từ đây thầy nhận tôi làm học trò, thầy là thầy giáo của tôi.Ợ
Ông đồ vội đứng lên né tránh mà thốt :
- Ấy chết, quan lớn là quan của quý quốc Bảo hộ, chúng tôi chỉ là một nho sĩ nhà quê, có khi còn gàn bướng, hủ bại, thật sự không dám làm thầy quan lớn. Tôi là dân một nước hèn kém đã bị quý quốc đô hộ, chỉ đứng ngang hàng với người Pháp cũng đã vô lễ rồi, làm sao có ai lại dám làm thầy người Pháp bao giờ!...
- Xin thầy đừng nói như vậy! Giữa thầy và tôi không có vấn đề người Pháp, người Nam, chỉ có một tên học trò hiếu học và một vị giáo sư cao siêu có lòng rộng lượng đem tài học của mình san sẻ cho kẻ không hiểu biết bằng mình. Sự thật tôi chẳng những muốn học cho cá nhân tôi thôi, mà còn có tham vọng muốn đọc hiểu được nhiều sách Hán và Nôm đem dịch ra quốc ngữ, truyền bá văn học, lịch sử, triết lý tư tưởng xưa tiềm tàng trong sánh thánh hiền, hoặc ngay cả trong dân gian... đem ra phổ biến cho nhiều người biết, đó là điều ích lợi cho dân VN. Mặt khác, tôi sẽ trình bày những điều ấy bằng Pháp văn cho người Pháp và người Tây phương hiểu biết hơn về xứ sở quý vị, hiểu biết dân tình VN, là một quốc gia có một lịch sử lâu đời, có một nền văn hóa đáng kính trọng. Người ngoại quốc sẽ trọng dân quý quốc. Như vậy sự liên hệ giữa Pháp và Việt sẽ càng ngày càng cải tiến, chúng ta sẽ là hai quốc gia đồng minh, dn Pháp, dân Việt sẽ là hai dân tộc anh em, không có mặc cảm chia rẽ nhau và thù hận nhau. Thầy sẽ hợp tác với tôi làm sách vở, viết và dịch sách, in sách, phát hành sách rộng rải trong dân chúng. Há thầy không nghĩ như tôi vậy sao?..
Quan lớn nói làm tôi hết sức xúc động, và tôi rất cảm tạ người đã có lòng thương mến đồng bào chúng tôi, thật tình muốn giúp đỡ chúng tôi bớt mặc cảm là dân một nước hèn kém bị đô hộ, bị khinh khi. Tuy nhiên còn có một điều làm tôi thắc mắc mà chưa dám nhận lời quý quan. Tôi là một nhà Nho xưa, rất bảo thủ, và rất trọng lễ nghĩa của ông bà truyền lại. Thật khó mà quan niệm có một học trò, một đệ tử cao sang, danh vọng quá lớn hơn thầy giáo. Làm sao nó thể như thế được? Quan lớn nên nghĩ tình mà tha thứ cho tôi!
- Điều này thật quá dễ giải quyết, xin thầy khỏi thắc mắc. Tôi sang đây đã học được sách thánh hiền Đông phương, lễ nghĩa Đông phương, tôi sẽ là học trò và thầy là thầy. Tôi kính trọng thầy, lễ phép với thầy không khác các môn sanh bản xứ đối với thầy đồ. Thầy nhận tôi ba lạy bái sư vậy.
Thầy đồ vội đứng dậy ngăn cản, nhưng người ngoại quốc cũng chấp tay xá ba xá. Và từ đây hai người đã gần gủi nhau,và ông Cố đã vừa dạy thêm chữ Hán chữ Nôm cho Nordeman, vừa giúp ông ta làm sách, dịch sách, nhưng không lúc nào chịu đứng tên mình, chỉ để Nordeman đứng tên trên các sách.
Về sau, ông Nordeman bổ nhiệm ông Nội làm giáo sư chữ Hán cho các trường học Pháp Việt tại Hà nội.
Theo ông Phò Nguyễn Hữu Tý, lúc ở Hà nội, ông Nội rất quen thân với Kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn hữu Độ (là ông già Nguyễn hữu Tý), và ông này đã đề nghị với ông Nội là khi nào ông về Kinh đô Huế làm lớn sẽ bổ nhiệm ông Nội làm Thượng thư Bộ Học. Sau ông có vào Huế thay thế Nguyễn văn Tường (bị Tây đày đi ngoại quốc vì Tường đã tỏ ra chuyên quyền ở triều đình Huế với Tôn Thất Thuyết sau đánh úp Pháp năm 1885 khi đã có hòa ước giữa VN và Pháp năm 1883-1885) : Tường và Thuyết đã ám sát các vua Dục Đức (bắt giam nhịn đói đến chết, Hiệp Hòa và Kiến Phước (bị bắt uống thuốc độc). Sau Tường và Thuyết đem vua Hàm Nghi bỏ kinh đô chạy đi Tân Sở (Quảng Trị), vì bị Pháp đánh bại. Tường nữa chừng bỏ vua về đầu hàng Phápm được giao sắp đặt lại việc Nam triều và mời cho được Hàm Nghi trở về. Tường bị cả người trong nước và cả người Pháp khinh bỉ, vì ông tráo trởvà làm không xong việc nên chánh quyền bảo hộ đày ông ra ngoại quốc và ông đã chết xa xứ sở.
Về sau, không biết vào năm nào, Nordeman được đổi vào Huế làm Giám đốc Học chánh Trung Kỳ. Ông rước ông Nội theo vào làm Giáo sư Hán văn tại trường Quốc học (đồng thời với ông Ngô đình Khả, thân sinh Ngô đình Diệm), và trường Đông Ba. Nordeman vẫn đối đãi với ông Cố rất kính trọng, và chiều Chúa nhật nào cũng đi xe song mã qua đón thầy đi dạo mát ở các vùng lân cận Kinh đô, nhất là vùng núi Nam Giao, Ngự Bình, v.v..., lại cho luôn cả hai con nhỏ của cô Ngọc và Ba đi theo. ... Có thời Nordeman kiêm luôn làm Giám đốc Sở Liêm phóng (Công an) Trung Kỳ vì ông rất thông thạo phong tục VN, và rất giỏi tiếng Việt. Ông Nội làm thầy một ông Giám đốc cả hai cơ sở lớn của chánh quyền Bảo hộ, nên các công chức và các quan lớn trong triều rất kính nể. Ông Nội thường dùng uy thế đó để giúp người : xin cho công ăn việc làm, giải thoát những kẻ rủi gặp hoạn nạn khó khăn. Ba và các Bác đã hưởng được truyền thống từ tâm đạo đức đó, nên có lúc có lẽ trời cũng giúp được thoát qua nhiều tai nạn oan trái, và để phước lại cho con cháu.
Ông Nội lúc rảnh rổi thường hay hội họp các ông bạn nhà Nho làm thơ đọc cho nhau nghe, có khi còn thuê cô đầu(ả đào) ngâm hát để các cụ uống rượu thưởng thức. Vì uống rượu trắng (rượu đế) nhiều nên về sau ông bị bệnh đau gan rồi qua đời. Ông lại có tật hút thuốc Lào, lúc nào hút cũng hít những hơi rất dài, rồi say ngất, nằm suýt xoa hàng giờ.

• Ông Nội lúc ở Bắc đã có vợ và có 2 con : Cô Đào thị Nga và Bác Đào đăng Nghi (Bác Hường).
Khi ông Nội vào Huế với Nordeman chỉ đem theo Bác Nghi (lúc ấy độ 10 tuổi), cô Nga ở lại Hà nội với mẹ vì bà Cụ xem số người ta nói là có thể chết vì sông biển nên bà không dám theo chồng đi xa. Về sau cả hai mẹ con đều chết ở Bắc. Ông Nội vào làm việc ở Huế rồi cưới vợ 2 (tên là Nguyễn thị Tân), về sau ông quơ luôn cả em vợ là Bà Dì (Dì Năm). Bà Nội sanh được 5 con, Bà Dì sanh được một con gái chết sớm (lúc 6, 7 tuổi). Mộ được chôn gần ông Nội sau này.
• Ông Nordeman làm việc ở Huế ít năm thì được phép về Pháp nghỉ mấy tháng. Vào năm 1912, 1913 gì đó, lúc ông Nordeman về nghỉ ở Pháp thì bên này ông Nội lâm bệnh nặng rồi qua đời, được chôn cất gần Nam Giao, cạnh rào chùa Quảng Tế, là một ngôi chùa lớn đã được gia đình Bà Cố và Ông Nội giúp gây dựng nên, Khu đất mộ từ trước đã được ông Nội tìm và lựa chọn theo sự hiểu biết toán phép địa lý của chính ông.
• Sau này Bác Hường gái (vợ ông Bác Nghi hồi đó ở đường Huỳnh Mẫn Đạt bên Thị Nghè) thường nói mộ này chỉ phát nhất cho chi nhánh của Ba. Vì vậy, có lúc Ba đề nghị xây lại cho tốt và chắc chắn hơn để khỏi bị trâu bò đạp phá thì gia đình Bác Hường Nghi lại cản, ngại sợ đất mộ lại phát tốt cho phía Ba và con cháu, mà có thể hại cho các Bác nên Ba bỏ ý định ấy, không đá động gì đến việc Ộxây lăng đắp mộ Ộ này nữa. Ngoài Ba ra, chỉ còn các người con của Bác Hường như Đào đăng Hưu, Đào thị Quyên là biết việc này.
• Lúc ông Nordeman trở lại Huế thì ông Nội đã chết và chôn cất xong xuôi rồi.
Nhà ở Hàng Bè chính phủ lấy lại, Bà Nội phải mua một nhà tranh trong thành nội. Nhà ở trong một khu vườn khá rộng, nhưng thuộc một khu vực thấp nên khi có lụt lớn là hay bị ngập nước lút đến cả giường ghế bàn tủ. Vì hay bị ngập nước lụt nên đất vườn có mùa rất tốt, lúc nào cũng được bà Nội thuê người cày cuốc trồng trọt đủ thứ : hoa hồng, tường vi, chuối, bắp, khoai sắn, và dựng giàn để bầu bí leo lên, cũng có giàn
cho bông lý leo trước nhà, nơi có bể cạn và hòn non bộ ở giửa hai bồn hoa. Vườn này ở cạnh vườn ông Phạm Văn Phúng, là anh của Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Bắc Việt). Hai nhà qua lại thân mật với nhau qua một hàng rào cây cẩn. Quanh vườn có cả cây hóp, cây keo, và cây chè lá nhỏ làm rào rất đẹp. ỘHễ trời lụt là lúc nhỏ Ba và chú Tá hay ra lội chơi, có khi đốn vài cây chuối làm bè đi trên nước.Ợ
• Ông Nordeman trở lại Huế, hay tin ông Nội mất, và gia đình đã dời đi nơi khác, ông hỏi thăm tìm vào nhà trong Thành Nội thăm. Ông đến trước bàn thờ ông Nội thắp hương lạy, nước mắt ròng ròng. Lạy xong, ông quay lại nói với bà Nội :
Cô thật đáng trách quá! Lúc tôi ra đi, thầy tôi vẫn mạnh khoẻ, chỉ trong mấy tháng đau gì mà Cô không biết săn sóc để thầy tôi chết oan uổng. Bây giờ tôi hết sức buồn và chán nản lắm. Chắc tôi sẽ rời khỏi VN về Pháp chớ không còn ở đây lâu nữa. Cô làm ơn chỉ mộ Thầy ở đâu để tôi đi thăm.
Thế là ông đi thăm mộ thầy giáo mà cũng là người cố vấn và bạn thân. Ông cũng thắp hương khấn vái, nước mắt chảy ròng, rồi tjeo tục lệ người Tây, lượm một viên đá nhỏ liệng trên nấm mồ rồi về... Về sau, ông thu xếp về luôn Pháp, để lại cả nhà in cho ông Mạc Đình Tư (người hợp tác với Nordeman mở nhà in). Có điều đáng nói là hình như ông không giúp đỡ gì mẹ con ông Thầy vừa quá cố! Kể cũng lạ!

• Một quả phụ với 5 con dại
Ông Nội mất, nhà nước cấp cho quả phụ một số tiền nhỏ, đâu vài trăm bạc (lúc bấy giờ đồng bạc Đông dương đang có giá trị lớn) mua vườn, nhà đất hơn 100, còn lại chỉ mấy chục. Vốn liếng chẳng có gì. Nhà Nho, nhà Giáo, chữ nghĩa nhiều chứ tiền thì ít, thói nhà thanh bạch, tình thế gia đình bấy giờ thật là bấp bênh, khốn đốn! Một mẹ còn trẻ với 5 con dại trên tay. Năm con là :
1. Đào đăng Khản, sinh năm 1900, (Canh Tý), năm ấy độ 16, 17 (ngày xưa đi học chậm) nên mới học lên lớp Nhất tiểu học.
2. Đào đăng Hy, sinh năm 1902 (Nhâm Dần), nhỏ hơn 2 tuổi, lúc ấy cũng độ 15, 16, nhưng cùng học một lớp.
3. Đào Như Ý, sau đổi là Đào Như Ngọc, sinh năm 1905 (Tân Tỵ), thua 3 tuổi, hình như ngay lúc ấy chưa đi học trường nào, sau mới vào học trường Nữ học ở ngoài cửa Thượng Tứ (sau đổi thành Tiểu học Paul Bert, trường con trai), sau học Đồng Khánh.
4. Đào đăng Vỹ, sinh năm 1908 (Mậu Thân), thua 3 tuổi, chưa đi học trưòng.
5. Đào đăng Tá, sinh năm 1911 (Tân Hợi), thua 3 tuổi, chưa đi học.
Bà Nội từ trước đã có buôn bán với mấy bà con cùng ở phố Hàng Bè, nên bấy giờ các bà cũng giúp làm ăn, tuy vốn liếng chẳng có bao nhiêu, nhưng các bà có khi cho lấy hàng chịu (ghi sổ).
Nhưng như vậy cũng khó an toàn nên bà Cố đã phải cho Bác Khản và Bác Hy ra ở lại nhà ba Thưà Chỉ ở đầu Hàng Bè gần cuối cầu Gia Hội, để kèm dạy 2 người con còn nhỏ là Lê Quang Diệm và Lê Quang Dực. Hai cậu này sau là bạn của ông Vỹ.
Được đâu hơn một năm thì ông Bác Hy thi đậu vào học nội trú có học bổng tại trường Quốc học. Bác Khản cũng cũng vào học được lớp đệ Nhất Cao đẳng Tiểu học (Enseignement Primaire Supérieur) tại Quốc học với Bác Hy, nhưng không có học bổng. Bác lại được bà Biên Phạm (dòng Phạm đăng Hưng ở Gò Công trong Nam, là dòng họ của Thái Hậu Từ Dủ, mẹ vua Tự Đức). Bà Cụ này nhà giàu, nhà cửa đẹp đẻ sang trọng, có người con thường được gọi là ông Ấm, sau làm chủ rạp Ciné Tân Tân ở đường Trần Hưng Đạo, Huế. Ông này có cả bầy con trai con gái nhỏ nên Bác Khản được rước về làm thầy giáo kèm tụi nhỏ, cùng lúc lại có tụi nhỏ bà con quen biết tới học luôn. Bác Khản vừa đi học vừa đi làm Précepteur (thầy dạy kèm tư gia), nhưng đến hết năm đệ Nhị (=lớp 11) thì thôi học, chỉ ở nhà dạy học ở luôn nhà Bà Cụ Biên (hình như ông Cụ chồng bà trước có được hàm quan Biên tu Biên soạn gì đó cho nên người ta vẫn gọi bà là Bà Biên Phạm, và lúc này ông chồng đã mất lâu rồi. Bác Khản lúc nhỏ đẹp trai, rất vui tính, ca hát và huýt gió rất hay (ca Huế các cô ca sĩ cũng chịu thua), nói chuyện duyên dáng vui vẻ nên bà Cụ Biên và ông con rất thương, xem như con cháu trong nhà. Lũ trẻ học trò cũng rất mến thầy giáo trẻ, nên luôn quấn quít bên thầy.
Ba và cô Ngọc cũng bắt đầu đi học tại nhà bà cụ Phạm, nhưng ông bác Khản (ba của Mi) sau khi dạy học vài năm thì xin vào làm thư ký và chế thuốc ở Pharmacie Bernard rất lớn, ở một nhà lầu ngay đầu cầu Trường Tiền phía đường Trần Hưng Đạo, đối diện với nha hàng và Hotel Morin bên kia cầu.
Ngày xưa, làm việc tại các Sở tư không được trọng bằng làm công chức tại Sở Công (cơ quan của chính phủ), nên sau Bác lại làm Giáo học và được bổ đi dạy trường Tiểu học ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
(1 ) Bác Khản có hai đời vợ : Lần thứ nhất là một cuộc hôn nhân ép buộc, không xứng hợp nên ông Khản xin ly dị.
Về sau tái hôn với một nữ đồng nghiệp, cũng dạy học ở Phan Thiết. Cả hai cùng được thuyên chuyển ra Hội An (Faifo), rồi Tam Kỳ (Quảng Nam). Tam Kỳ ở gần căn cứ Mỹ là Chu Lai.
Bác Khản đã có lúc tính đi làm thầu khoán để kiếm nhiều tiền hơn là đồng lương cố định của một giáo chức nhỏ. Nhưng Bác đã thất bại trong cuộc thử thách này, nên rốt cuộc vẫn làm trợ giáo.
Bác Khản gái rất khôn ngoan, vui vẻ nên được lòng gia đình bên chồng.
Hai Bác Khản đã sanh được 3 người con :
• Đào Khánh Vân (ở nhà thường gọi là Bê) sau học Đồng Khánh, được học bổng ở nội trú. Hết học, Khánh Vân lấy chồng tên là Thám, có 3 con (1 trai, 2 gái).
• Đào Đăng Tường Vân (tên gọi ở nhà là Đê)
Lúc còn nhỏ ở vói Ba tại Huế và học trường Quốc học. Ở cạnh nhà Ba có nhà nấu cơm tháng cho học trò. Nơi đây có cô học trò khá đẹp của Ba. Tường Vân qua lại nên quen nhau và sau kết hôn với người này. Đó là Đào Thị Thanh. Tường Vân đậu bằng Diplôme (Trung học) ở Huế làm Thông phán (công chức) tòa Công sứ (giống như Tòa Lãnh sự bây giờ) Hội An. Sau này có làm Tri Huyện (thời Ngô Đình Diệm), rồi về mở nhà thuốc Tây buôn bán tại chợ Cồn, Đà Nẵng.
Đến năm 1975 mất Đà nẵng, cả gia đình vào Saigon rồi vượt biên qua Mỹ.
Bác Khản cùng Tường Vân từ Quảng ra Đà Nẵng năm 1954, cả gia đình đều thiếu thốn Ba cố gắng giúp đỡ nhiều lần. Bác Khản có vào ở với Ba một thời gian ở Saigon lúc Ba còn ở đường Cô Bắc, sau Bác ra lại với Tường Vân lúc Vân còn làm Tri Huyện cho đến khi thôi làm về lập nhà thuốc Tây ở Hội An, và bác Khản đã qua đời tại Hội An. Ba từ Saigon có ra đưa đám. Cặp vợ chồng Vân-Thanh có 10 người con (4 trai + 6 gái).
• Đào Thúy Vân (Tức Mimi) có chồng là Ngô Xuân Cẩn (mất năm 1993).
Lúc tản cư về Đà nẵng gặp Ba đang lúc vào đây để chờ máy bay đi Saigon có việc. May quá, vì hai vợ chồng và con cái chỉ có một gánh đồ đạc áo quần, không nhà cửa, không tiền bạc,.....
Ba có giúp đỡ chút đỉnh tiền bạc để đi thuê nhà ở và kiếm cách làm ăn. Lúc về, vợ chồng Thúy Vân-Cẩn đang ở tạm trong nhà ga xe lửa Đà nẵng đang bỏ trống vì tàu lửa và đường xe lửa đã bị Việt Minh phá hủy. Sau Cẩn vừa đi dạy học trường tư vừa làm công chức tại Sở Khí tượng Đà nẵng. Con gái đầu là Khánh có chồng là Nguyễn Mậu Bàng, làm kỷ sư ở Sở Điện lực Saigon. Nay vẫn còn ở Saigon.
Hai vợ chồng Bác Khản đều có bệnh hay chơi bài bạc nên luôn luôn nghèo túng. Sau Bác lại thêm bệnh nghiện thuốc phiện nên càng khốn đốn hơn.
Về nhánh Bác Khản, nay còn Đào đăng Tường Vân hiện ở Gardena City(gần Los Angeles, Nam Cali). Nếu Tường Vân muốn viết tiếp thêm gia phả này thì nên bổ túc.
(2) Bác Đào Đăng Hy, tuổi Dần, nhỏ hơn Bác Khản 2 tuổi, lớn hơn Cô Ngọc 3 tuổi, lớn hơn Ba 6 tuổi, là người rất hiền lành, học giỏi, hiếu để, đạo đức, là thân sinh của Đào dăng Nam (con của người vợ thứ nhất Lê Thị Duy), cùng tuổi với Tường Vân. Thời niên thiếu có ở với Ba để đi học Quốc học, sau lên lớp Tứ niên thì theo các Sư đi tu, và theo Việt Minh, ra Bắc ở với Bác Hy. Anh Nam mất ở Nghệ An (1964 hay 1968 không rõ). Ông Bác Hy và cô Duy ly dị sau khi có một con. Về sau Bác Hy lấy vợ lần nữa (cũng người Huế) và sanh ra: Đào Tư An, Đào kinh Kha,Đào....Sơn. Kha và Sơn sanh ở Nghệ An, Tư An sanh ở Tư Nghĩa, Quảng Ngải. Tất cả đều kẹt lại ở Bắc. Sau 1975, Tư An vô làm việc Saigon (Đại tá Bác sĩ y khoa). Có liên lạc với Ba, và trong mấy năm liên tiếp có tiếp tế cho quà và tiền. Về sau vì ít tiền nên ông Ba chấm dứt viện trợ.
Lúc chính phủ Trần trọng Kim thành lập, Bác Hy lên chức Đốc học toàn tỉnh Nghệ An và về ở Vinh. Việt Minh lên, người trong tỉnh bầu ông làm Chủ tịch Liên Việt gì đó (là một tổ chức do Việt Minh dựng lên cho có vẻ dân chủ) nhưng về sau chính tụi nó lại tố khổ bác là trí thức tư sản và định đem ra xử ở Tòa án Nhân dân. Cả 4 người con trai của Bác Hy lúc ấy đều phục vụ trong quân đội VM nghe tin về kịp đều đứng ra phản đối. Vò có quân hàm bộ đội cả mấy anh em nên tụi địa phương ngại phải đụng chạm lớn nên không dám bịa chuyện đem ra Tòa án Nhân dân nữa. Mấy người con đem ông Hy ra ở Hà nội, rất thiếu thốn. Tới 1975, tính vào Saigon tìm Ba, nhưng mấy người con của ông Hy vào biết Ba đã đi Mỹ rồi nên Bác Hy không vào nữa. Bác Hy ở lại Hà nội, bị bệnh suyễn nặng không có thuốc men chữa tri, nên qua đời năm 1976.
Gia đình Tư An (hai vợ chồng + 3 con gái) được nhà nước cấp nhà ở trong đường hẽm chùa Từ Thọ, đối diện với chùa Trường Phước, đường Lạc Long Quân, Quận 11.
(3) Đào Như Ý tức Cô Ngọc : Hồi nhỏ Cô Ngọc có tên là Như Ý, sau đổi tên là Như Ngọc, tuổi Tỵ, sinh năm 1905 tại Huế. Khi chết được chôn và xây mộ bằng xi-măng và gạch tại Cai Lậy, gần Mỹ Tho ở Nam Kỳ (1943) lúc mới có 38 tuổi Tây, 39 tuổi ta.
• Thuở niên thiếu, Cô Ngọc và Ba gần gủi nhau nhiều nhất cũng như với ông Hy.
• Cô Ngọc người rất đẹp, và thông minh lanh lợi, ít có đàn bà nào sánh bằng. nhưng đường đời vất vả, tình duyên long đong, lận đận.
• Lúc còn đi học trường Đồng Khánh vài năm thì ông Tạ Văn Xuân đã để ý và cố nài ép cưới cho con trai ông là Tạ Ngọc Đông. Anh này con của bà vợ nhỏ của ông Xuân, người Huế, dòng Tôn Thất. Ông Xuân bảo đảm đám cưới xong vẫn để cho Cô tiếp tục đi học nhưng nhà mẹ của Tạ Ngọc Đông là là một gia đình rất cổ hủ. Năm thế hệ ở cùng một nhà lớn bên kia cầu An Cựu : Bà Cố hơn 80 tuổi, các Cô, Dì, Chú Bác, cháu chắt ở dưới một mái nhà(có nhà trên thờ ông bà và bà cô, ởo với gia đình một ông Huyện là người thế lực nhất nhà) mẹ con Đông cũng ở một nhà ngang với các Cô Dì. phía sau có một nhà bếp. Gia đình được vua phong một câu ỘNgũ đại đồng đườngỢ khắc trên một bức hoành sơn son thiếp vàng, được treo trên căn giữa nhà trên. Gia đình lấy đó làm vinh hạnh lắm. Nhà nề nếp xưa, ai đi đâu cùng phải thưa trình xin phép cả nhà, từ Bà Cố trở xuống, lúc về cũng vậy.
• Gia đình này lấy làm hãnh diện vì mấy chữ ỘNgũ đại đồng đườngỢ nhưng trên thực tế, đây là 5 bầy của nhỏ chung một thúng, que cành đụng nhau, khi công khai ồn ào, khi thì ngấm ngầm đê tiện, nhất là mấy bà góa chồng, thường gắt gao ganh ghét và luôn luôn nói xấu nhau hay kiếm cách hại nhau lặt vặt. . .
• Cô Ngọc mang tiếng là ôm sách đi học, nhưng đi học về phải nấu cơm cho tiểu gia đình ăn. Đi học phải đi thưa về trình đủ mọi người vì đây là thế hệ thứ 5 nhỏ hơn hết nên phải thưa trình tất cả các thế hệ trên trước. Mấy bà đã ganh ghét nhau rồi, nay có cô dâu nhỏ, cứ sớm chiều ôm sách đi học, các bà Cô Dì ghét lắm, cứ hay nói bóng gió xa gần, nguyền rủa. Có khi lén bỏ từng nắm muối vô nồi canh trách cá để cô dâu bị bà gia la rầy cho bỏ ghét, có khi bà gia ném cả đồ ăn vô người, phải đi nấu lại. Bị hành hạ quá đáng, Cô Ngọc cứ về khóc lóc với bà Nội nên bà Nội tức mình qua gây gổ với ông bà Xuân (bà lớn, sự thật là bà Hai, vì ông Xuân còn một bà thứ nhất ở lại ngoài Bắc). Sau ông Xuân phải xin cho Cô đi học Cô Mụ (Sage-femme ở Hà nội) : Trường Cô Mụ đỡ đẻ thuộc phạm vi trường Thuốc (Đại học Y khoa) Hà nội. Ở với ông Đông, Cô Ngọc có một con gái sau này lấy chồng là Bửu Cầm (dạy chữ Hán và chữ Nôm ở Đại học Văn khoa Saigon).
• Ngao ngán cảnh làm dâu một gia đình phong kiến lạc hậu, lúc học ở Hà nội, gặp anh chàng công tử ăn diện sang trọng lại làm chủ một tiệm bán xe đạp trông có vẻ giàu có... Anh chàng họ Tiết này đón đường tán tỉnh, luôn chờ đợi ở cạnh trường học, hễ tan học ra là đón đi theo, Cô Ngọc miết rồi cũng xiêu lòng và không trở về làm dâu ai nữa nên lại bước qua thuyền khác và có với họ Tiết (hiếu Trung) một con gái là Paulette sau đi học Pháp đậu được bằng Licence en Droit (Cử nhân Luật), về Saigon gặp ông Tâm và Ba. Ba bố trí cho cô Paulette làm Chef de Cabinet (Chánh văn phòng, lúc Ba làm Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng). Tiệm xe đạp tên là Trúc Thành, ở cửa Nam Hà nội, gần Hàng Bông, và cách xa Hàng Lọng vài con đường. Lúc Ba ở Huế bãi khóa rồi vào Tư Nghĩa với bác Hy, rồi đi Nha Trang với vài người bạn, tính chuyện làm ăn với nhau, khỏi làm công chức với Pháp. . . Sau Cô Ngọc cố gọi Ba ra Hà nội để có thể học lại thi Tú tài Pháp. Ba ra ở với Cô Ngọc tại tiệm Trúc Thành này, vừa đi học tư vừa viết báo. Ba ở với Cô Ngọc độ hơn 1 năm (1928-1929). Thấy ông Nội có để lại cái nhà ở Hàng Lọng, ông Trung giúp lấy lại được vì nhà đang do một người bà con bên phía mẹ bác Hường chiếm ở lâu ngày. Ông Trung thừa cơ cố ép Cô Ngọc nói với Ba để cầm nhà ấy, chung tiền lập một công ty xe hơi cho thuê. Được ít tháng Ba xin được giấy phép chạy xe đò đường Tuyên Quang-Hà Giang) mà lúc bấy giờ chưa có ai được phép chạy vì đường ra biên giới Trung Hoa lại chưa được đắp đá tráng nhựa, đường hẹp, lầy lội, bên sườn núi bên hố sâu rất nguy hiểm. Nhưng nhờ Ba rành tiếng Pháp nên nên giao thiệp với các sĩ quan Pháp đóng tại tỉnh này là một tỉnh quân sự (Territoire militaire limitrophe de la Chine) nên lấy được giấy phép đặc biệt mở đường chuyên chở công cộng đi Hà nội-Hà Giang. Đi nửa năm mua được 2 xe cũ nữa với 1 xe mới mua từ trước. Đường đi hiểm trở và độc quyền nên giá xe từ Tuyên Quang đi Hà Giang đắt gấp 10 từ Hà nội lên Tuyên Quang nên làm ăn rất thịnh vượng. Nhưng ông sai lời giao ước trước (mỗi người áp tải xe lên về một lần), cứ để Ba đi miết, vừa bỏ học vừ nguy hiểm. Sau nhiều lần nói không được, Ba bỏ cuộc và Công ty sập tiệm vì ông Trung không dám thay Ba để đi với tài xế, nên tài xế chịu cực không nổi, xe bị hư hỏng thì bỏ luôn không làm nữa.Vỡ nợ, ôngTrung bỏ trốn mất vào Saigon, không tin tức vì sợ ra Tòa. Mình Cô Ngọc và Ba chịu trận với Tòa án và luật sư. Sau Ba và Cô Ngọc phải liều bán luôn cái nhà (đáng lẽ phải có đủ anh em mới bán được) để trả nợ, còn lại vài ngàn chia đều cho cả mấy anh em, kể cả Bác Hường và Chú Tá. Trong lúc phải lo đi Tòa án, thì cô Ngọc và Ba về ở đường Hàng Lọng, vì tiệm Trúc Thành phá sản, tiệm bị đóng cửa. Bán nhà xong phải thuê nhà ở gần phía Ga xe lửa Hà nội (ở đường Tân Hưng).
• Ông Trung đi mất mấy năm và Ba chận không cho cô Ngọc liên lạc nữa vì ông ta tỏ ra hèn hạ, độc tài. Lúc Ba làm ra tiền đưa về cho thì ăn chơi thả giàn, bạc dãi vợ, lúc khó khăn phải đối phó với chủ nợ, Tòa án, luật sư thì ông ta bỏ trốn không tin tức. . . để hai chị em có thể bị phạt, bị tù nếu không trả nợ được và giải quyết xong vụ phá sản!
• Mấy năm sau Cô Ngọc lại kết hôn với ông Nguyên, người Nam, con nhà giàu và đang học trường Thuốc. . . Ông này lại bê bối nữa, đang học Thuốc ở Hà nội bỏ về quê luôn, ông già chết, nhà sa sút, Cô Ngọc phải lập tiệm buôn bán kiếm sống qua ngày. Nhưng ông Nguyên cứ theo đà công tử nhà giàu, cứ ăn chơi đánh bạc, bê tha không lo gia đình. Vì vậy lúc đi làm việc xã hội trong hạt, gặp Quận trưởng Nguyễn Văn Tâm quyền thế ở Cai Lậy, Cô Ngọc lại bước thêm bước nữa và vài năm sau thì bị bệnh không kịp chở đi nhà thương lớn Saigon nên bị xuất huyết mà chết năm 1943, mới 38 tuổi Tây. Thật là bất hạnh!
• Cô Ngọc rất đẹp, tánh nết hiền lành, nhiều thiện tâm, biết thương mẹ và anh em. (Lúc Ba mở trường Việt-Anh rất lớn ở Huế, thiếu tiền, Cô có cho mượn 1,000 đồng, cũng như đền ơn Ba, hơn nữa Ba đã vì Cô mà cầm và bán ngôi nhà ông Nội để lại tại Hà nội. Không đợi phép các anh em vì là của chung, mà Ba đã vì Cô mà làm ngang. Bác Hường Nghi lúc ấy cũng buồn Ba nhưng nể nang mà không rầy rà gì.
• Lúc được tin Cô Ngọc mất, thật như sét đánh bên tai. Lúc ấy bà Cố đang ở Huế với Ba. Ba đi ngay vô Saigon bằng xe lửa, rồi thuê ô-tô đi Mỹ Tho, rồi Cai Lậy, nhưng cũng đã trể không kịp đưa đám, chỉ đi thăm mộ.

(4 ) Đào Đăng Vỹ, sinh năm 1908 tại Huế. Sẽ kể chi tiết tiểu sử, sinh hoạt trong tập Hồi ký sẽ viết sau.

5/ Đào Đăng Tá (1911-1947) :

• Con út của ông bà Nội, nhỏ hơn Ba 3 tuổi, tức sanh năm 1911, chết năm 1947. Lúc nhỏ rất nghịch ngợm, ham chơi, làm biếng học hành, chỉ đậu Tiểu học rồi Bác Hy xin cho đi dạy các lớp nhỏ trường Tiểu học, sau cũng bỏ đi theo học võ thuật, học gồng vì người cao lớn mạnh khoẻ nhất nhà nên ham võ hơn văn. Nếu sanh vào các thời xưa, có lẽ thành công trên đường võ nghiệp, và nếu còn sống, về sau chắc cũng sẽ đi lính theo nghiệp võ thì chú thích và hợp tánh tình hơn. Lúc Ba làm Giám đốc Trường Việt Anh, có cho vào làm Giám thị, nhưng sau cũng không xong. Lúc Ba gặp khó khăn với chủ trụ sở Trường Việt Anh, Ba bỏ V.A. qua mở Trường Đồng Đức thì Tá không làm việc nữa. Thế rồi lấy vợ, rồi đến chiến tranh xảy ra (12/1946), Việt Minh cướp chính quyền từ tháng 9/45, Tá vào làm an ninh Phường, rồi tản cư về quê (làng Phù Lương), trong lúc Ba cũng tản cư về phía khác không gặp nhau. Khi Ba hồi cư đầu năm 1947, mới biết chú Tá lúc tản cư ở nhà quê bị trúng mảnh bom của máy bay, bị thương trở về Huế thì bị quân Pháp (bọn mật thám) bắt vì có người điềm chỉ là làm an ninh cho VM. Thế là mất tích. Ba về Huế nhờ người tìn mãi không ra. Vợ lấy chồng khác. Chú Tá lúc nhỏ thì ở với Bà Nội và Bác Hy. Lớn lên, lúc Ba ở Hà nội, Chú có ra ở với Ba và Cô Ngọc một thời gian (hình như nhà ở đường Hàng Lọng), sau Ba về làm việc ở Huế thì chú cùng đi với Ba cho đến lúc lấy vợ mới ở riêng tại nhà mẹ vợ trong Thành Nội.
• Từ nhỏ cho đến khi có vợ có con, chú Tá chẳng lúc nào làm ăn thịnh vượng, Ba luôn luôn phải giúp đỡ, tiền bạc, gạo cơm đủ thứ.
• Chú Tá có 4 con trai : Đào đăng Phong, Đào đăng Dũng, Đào đăng Hùng, Đào đăng Phú.
• Cả 4 người lớn lên có học hành, đi quân dịch, đều làm sĩ quan (Phong Thiếu tá, Hùng Trung úy, Phú Thiếu úy, Dũng làm Cán bộ Nông thôn. Phong, Hùng làm việc tại Huế, Phú tại Kontum hay Pleiku gì đó. Dũng làm ở Bình Dương và Saigon. Ba đứa sĩ quan sau đều bị VC bắt đi trại Cải tạo 5, 7 năm. Sau khi ra trại thì kẹt hết ở Saigon. Ba cố gắng gởi quà gởi tiền về giúp đỡ, nhưng Ba cũng không đủ sức giúp hết mọi gia đình còn ở VN.
• Bọn Phong có mấy em cùng mẹ khác cha, có 2 người đi Hoa Kỳ học và làm ăn khá, có Nguyễn văn Hồng lấy vợ Mỹ (làm nghề nurse tại bệnh viện), và dạy Đại học ở miền Đông Hoa Kỳ (Pennsylvania) có thư từ liên lạc với Ba, và thỉnh thoảng cũng có giúp đỡ bọn Phong.
• Mẹ Phong (Bùi Thị Khuê, sinh năm 1916, Bính Thìn) đã chết vì bệnh tiểu đường sao đó (1985), làm anh em Phong cũng hết nhờ, vì Thím ấy buôn bán giỏi, có lúc có tiền khá, nuôi con cái tận tâm. Có lúc cần gì Ba cũng có giúp đôi chút. Lúc đi Huế cổ động ứng cử Thượng viện, Ba và Khôi có ở nhà Thím mấy ngày và cho Phong tiền để làm công tác cổ động cho liên danh Kỳ Lân của Ba.

Saturday, January 13, 2007

How To Get Along With People

Advice is still good, 20 years later

The Ten Commandments of How to Get Along With People

1. Keep skid chains on your tongue; always say less than you think. Cultivate a low, persuasive voice. How you say it often counts more than what you say.
2. Make promises sparingly, and keep them faithfully, no matter what it costs.
3. Never let an opportunity pass to say a kind and encouraging word to or about somebody. Praise good work, regardless of who did it. If criticism is needed, criticize helpfully, never spitefully.
4. Be interested in others, their pursuits, their work, their homes and families. Make merry with those who rejoice; with those who weep, mourn. Let everyone you meet, however humble, feel that you regard him as a person of importance.
5. Be cheerful. Don’t burden or depress those around you by dwelling on your minor aches and pains and small disappointments. Remember, everyone is carrying some kind of a load.
6. Keep an open mind. Discuss but don’t argue. It is a mark of a superior mind to be able to disagree without being disagreeable.
7. Let your virtues, if you have any, speak for themselves. Refuse to talk of another’s vices. Discourage gossip. It is a waste of valuable time and can be extremely destructive.
8. Be careful of another’s feelings. Wit and humor at the other person’s expense are rarely worth it and may hurt when least expected.
9. Pay no attention to ill-natured remarks about you. Remember, the person who carried the message may not be the most accurate reporter in the world. Simply live so that nobody will believe them. Disordered nerves and bad digestion are common cause of back-biting.
10. Don’t be too anxious about the credit due you. Do your best, and be patient. Forget about yourself, and let others “remember”. Success is much sweeter that way.

Định nghĩa chữ Tử

Chữ “Tử “

Già mà chết là: Lão Tử.
Đang sống phây phây lăn đùng ra chết là: Mạnh Tử.
Mập quá đứt gân máu chết là: Khổng Tử.
Không nhà, lạnh quá, chết đầu đường xó chợ là: Hàn Mạc Tử.
Chết sông, chết chìm là: Giang Tử.
Chết được chôn cất tử tế là: Chu Tử.
Chết lang thang lếch thếch ngòai đường là: Du Tử Lê.
Băng qua đường bị xe cán chết là: Tử Lộ.

Lượm bom đạn về chơi, nổ chết là: Nghịch Tử.
Chết chém thành nhiều khúc là: Phân Tử.
Chết mà không hề hấn gì (nguyên vẹn) là: Nguyên Tử.
Máy móc trong nhà hư, thò tay vào sửa, bị giật chết gọi là: Điện Tử.

Bị vợ đánh chết là: Nhừ Tử.
Phong hàn (trúng gió) mà chết là: Cảm Tử.
Chấy rận nhiều quá, hút máu chết là: Chí Tử.
Đi lính mà chết gọi là: Quân Tử.
Thi hành công vụ mà chết là: Công Tử.
Cỡi ngựa té chết là: Mã Tử.

Đang đi ngòai đồng bị sét đánh chết là: Thiên Tử.
Bị chặt tan nát chết là: Thái Tử.
Vua chết là: Hòang Tử.
Chết giùm người khác là: Thế Tử.

Đi rừng bị cọp vồ chết là: Lâm Tử.
Lụy tình mà tự tử chết là: Ái Tử.
Chết lãng xẹt là: Lãng Tử.
Học giỏi quá, siêng quá mà chết là: Tài Tử.
Nhỏ con mà chết là: Tiểu Tử.

Cha chết là: Phụ Tử.
Mẹ chết là: Mẫu Tử.
Con trai chết là: Nam Tử.
Con gái chết là: Xử Tử.
Em trai chết là: Đệ Tử.
Thầy chùa chết là: Sư Tử.
Các thầy giáo hùa nhau chết cùng một lượt là: Chữ Đồng Tử.

Trượt thảm nhà chết là: Thảm Tử.
Bị chó cắn chết là: Cẩu Tử.
Vua ra lệnh chém quan là: Thần Tử.
Và các bà vợ vua chết trong cung điện là: Tử Cung

Hội Ngộ Cựu Tù Chính Trị An Điềm

Hội Ngộ Cựu Tù Chính Trị Trại cải tạo An Điềm, Quảng Nam - Đà Nẵng

Ngày 29 tháng ba năm 1975, thành phố Đà Nẵng lọt vào tay quân Cộng sản Bắc việt.
Sáng sớm ngày 5 tháng 4 lệnh của cái gọi là Ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng kêu gọi toàn thể Sĩ quan quân đội VNCH (mà bọn CS xấc xược gọi là ngụy quân), khẩn trương tập trung tại số 2 đường Cường Để (club cũ của Mỹ thuê trước kia), để học tập trong vài ngày đến tuần lễ. Giữa cái nắng chang chang, tất cả đều xếp hàng ngũ chỉnh tề theo từng cấp bậc. Mười hai giờ trưa, cổng chính được đóng lại, tràng AK 47 vang lên dòn dã cướp tinh thần mọi người và cánh cửa địa ngục từ từ mở ra. Bên ngoài hàng rào thân nhân đứng lố nhố, vẻ mặt hoảng loạn, cố gắng ném thức ăn vào và nhìn mặt người thân. Cùng lúc từng đoàn xe tải đến đậu trên đường Cường Để. Lần lượt, các toán được lệnh lên xe trước những tên bộ đội mặt đằng đằng sát khí vung khẩu AK trên tay. Đoàn xe chạy ra Ngã ba Cây Lan, hướng về Nam. Cấp chuẩn uý đến trung uý ghé vào trung tâm huấn luyện Hoà Cầm hay chạy vào Liên đoàn Công binh Kiến Tạo tại Hội An. Cấp Đại úy đến Đại tá tấp vào quận đường quận Điện Bàn (thị trấn Vĩnh Điện).
Sau khi thôn tính xong toàn Miền nam, tháng 7 năm 1975, Tổng trại Kỳ Sơn được hình thành tại vùng núi Kỳ Sơn, tỉnh Quảng Nam do một trung đoàn Bộ đội thuộc Quân khu 5 quản lí, và toàn thể tù binh được gom tại đây. Tổng trại Kỳ Sơn gồm 4 trại và một trạm xá, được phân chia như sau :
1/ Trại I. Tọa lạc ngay cửa ngõ mỏ vàng Bông Miêu, bên bờ giòng suối Vàng, giam giữ cấp Thiếu tá cho đến Đại tá (tuy nhiên cũng có cấp đ/u lẫn vào, như Đ/u thi sĩ Thái tú Hạp …)
2/ Trại II, nằm xa về hướng tây cách trại I khoảng 3 km, dành cho cấp Đại úy (nhưng có Đại tá Lê văn Đồng, tư lệnh Lữ đoàn 2 Kỵ binh lại được đưa về trại 2).
3/ Trại III và trại IV nằm gần trại I, gồm cấp chuẩn uý đến trung uý, được đưa từ Hiệp Đức về, Hoà Cầm và Hội An lên.
4/ Trạm xá tù, nằm bên bờ suối Vàng, ngay trước mặt trại III, gồm khoảng 40 tù binh đủ cấp bậc và Ba bác sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Lương (người hùng cô đơn, từng ôm lựu đạn ngồi trước thêm Hạ nghị viện, sau tự tử để tránh xa thiên đường CS), bác sĩ trung tá Nguyền Văn Cơ, Bs Nguyễn Văn Tái (tổng trại Kỳ Sơn còn vài vị Bs nữa ví dụ như Bs Tôn Thất Sang, nhưng CS giữ lại các trại để bắt lao động).
Trong thời gian ở Kỳ Sơn, sau đợt học tập chính trị và viết kiểm điểm quá trình hoạt trong quân ngũ của mỗi cá nhân, bọn CS đã hèn nhát hạ sát ba vị Trung tá VNCH đó là Trung tá Võ Vàng, liên đội trưởng liên đội ĐPQ/ QN, Trung tá Nguyễn Bình, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54 /SĐ1 BB. Trung tá Hoàng. Cái dã man của tống trại Kỳ Sơn là bắt tù binh vào các đồi núi, căn cứ, trân địa trước kia, đầy mìn bẫy để cắt tranh, phát rẫy, mượn bom mìn giết tù binh, điển hình là Đ/U Nguyễn văn Ri, bị mìn chết oan, và nhiều bạn bị thương tật. Ngoài ra nhiều người chết vì bệnh tật thiếu thuốc men.
Tháng 6 năm 1977, công trình đại thủy nông Phú Ninh khởi công, đại bộ phân tù binh được lùa xuống Phú Ninh để tham gia công tác như: đãi sạn dưới lòng sông, trên nắng, dưới nước, bụng đói và tiêu chuẩn sạn rất cao, thời gian nầy thi sĩ Hạ quốc Huy có bài thơ tả cảnh tù vật lộn với đá sạn rất bi tráng “Con đường sỏi sạn còn phiêu gió ngàn”, thời gian ngắn sau đó Hạ quốc Huy đã làm cuộc vượt thoát trại tù thành công ngoạn mục. Ngoài cát sạn lại đẵn cây lớn, hạ cây nhỏ gọi là “phát lòng hồ”
Năm 1978 Cộng sản hiếu chiến mở cuộc xâm lăng Campuchia, trung đoàn bộ đội quản lý tù binh được lênh bàn giao cho Công an. Số phận tù binh cũng bước qua một giai đoạn mới, tàn bạo và bi thảm hơn. Công tâm mà nói, nằm dưới sự quản lí của bộ đội phần nào dễ thở hơn, khi chuyển qua cho Công an, với bàn tay sắt, cộng với lòng thù hận giai cấp và được nhồi nhét những kỹ thuật kềm kẹp, đàn áp sắt máu, cuộc đời của tù binh gặp muôn vàn thử thách cay đắng. Theo lời kể lại của một vệ binh thuộc trung đoàn quản lí tổng trại Kỳ Sơn, đào ngũ, thì trên 65% quân số trung đoàn bỏ xác trên đất Chùa Tháp.
Hơn 2/3 tổng số tù binh tổng trại Kỳ Sơn được đưa về Tiên Lãnh (thuộc vùng núi quận Tiên Phước /Quảng Nam). Số còn lại đưa về trại An Điềm. Trại An Điềm nằm trong lãnh thổ quân Thường Đức Quảng Nam, cách Đà Nẵng 50 km đương chim bay, nằm bên bờ sông Vàng (lại sông Vàng và suối Vàng, điềm gở) nếu đi theo đương bộ thì độ chừng 67 km, theo đương tỉnh lộ từ Hoà Cầm, lên Túy Loan, qua Gò Cà, chợ Aí Nghĩa (quân Đại Lộc) lên đồi 55, qua Hà Tân, Hà Nha, qua đèo và đến An Điềm. Vùng đất nầy, từ tháng 8 năm 74 là chiến trường khốc liệt diễn ra giữa quân khu 2, Sư đoàn 304 quân Bắc Việt với các chiến sĩ tiểu đoàn 79 BĐQ/Biên phòng và sư đoàn Dù VNCH.
Giữa tháng 9 năm 1978, từ trại Phú Ninh, chúng tôi được áp tải về An Điềm. Cơ ngơi trại giam đã được xây dựng kiên cố và bề thế với hai dãy nhà tường ciment, lợp ngói chạy dài hai bên hội trường, ngăn cách bởi những lớp hàng rào, tại đây đã có sẵn những đội tù chính trị gồm nhân viên hành chánh, cảnh sát, xã ấp, đảng phái chính trị…, và thành phần tội phạm hình sư. Trong thành phần hành chánh có ba vị giáo sư trường trung học Phan chu trinh ĐN là GS Trương Văn Hậu, GS Lê Quang Mai. Gs nhạc sĩ Trần Đình Quân. Người ta ví von : “Nếu bạn bị đi cải tạo mới qua giai đoạn quân đội quản lý rồi được tha về, thì cũng như đi dự tịệc mà mới thưởng thức món khai vị, chưa qua giai đoạn Công an trị tù thì chưa biết thế nào là bốn món ăn chơi.” Qủa thật vậy An Đìềm là điạ nguc trần gian, đói, đói và đói triền miên, lao động khổ sai. Tù binh đưa về An Điềm được chia làm năm đội: 13, 14, 15, 16, 17. Mỗi đội gồm bảy mươi lăm người nhốt chung một phòng, chia nhau chỗ năm `rộng gần hai gang rưỡi tay, đêm nằm phải sắp như cá hộp Sumaco, hay nằm trở đầu để ngửi chân nhau. Đầu năm 80, phong trào người vượt biển lên cao, và trại tiếp nhận thêm thành phần tù vượt biên, trại qúa tải, do đó đội 16 được đưa lên phân trại Sườn giữa (trực thuộc trại An Điềm), cách trại chính khoảng 6/7 km. trong thời gian ở Sườn giữa, đội 16 có xẩy ra cuộc trốn trại của bốn Đ/u mà kết qủa bi thảm là hai bị bắn chết tại chỗ: Đ/U Ngọc, Đ/u Lập (Nam Kỳ), một mất tích : Đ/u Nguyễn văn Huệ (mãi đến năm 1993, người nhà Đ/u Huệ mới tìm được hài cốt của Huệ nhờ một ngươi dân tộc chỉ), một bị bắt sống và xử bắn: Đ/u Lập (Bắc kỳ, cựu thủ môn đội bóng tròn trường trung học Sao Mai ĐN).
An Điềm, ngoài những lao động thường xuyên như cày cấy, nương rẫy, phân bón, rau xanh, thợ rèn. gạch ngói …. còn có bốn công trình lớn làm đổ rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt của tù binh, đó là đập nước Hố Đài, cầu treo An Điềm, đường Trường Sơn 3 (tên gọi do tù đặt), nhà máy giấy An Điềm.
Từ Hà Nha lên trại An Điềm là con đường đất chạy nấp theo dòng sông Vàng, mùa nước lũ, đường sá bị ngập lụt, lưu thông bị gián đoạn, do đó bộ khung (sở chỉ huy, danh từ của Vẹm), ra kế hoạch làm con đường chạy song song với con đường cũ, nhưng doc theo triền núi, phải xẻ núi, thời gian nầy là cuối thập niên 70 đầu thập niên 80. Quân đội của Đặng Tiểu Bình, vượt biên giới dạy cho Bắc cộng một bài học, do đó trại đã áp dụng biện pháp kềm kẹp tối đa, biện pháp hữu hiệu nhất là quản lí dạ dày tù. Bài học VC học được của quan thầy Liên sô trong các trại lưu đày ở Seberia. Tiêu chuẩn ăn giảm, khoai, sắn, bo bo không đủ, tù đói triền miên, đói dai dẳng, đói da bụng đụng da lưng, cơn đói hành hạ, người tù không còn nghĩ đến gì ngoài cái ăn. Quà gia đình thăm nuôi, bọn cán bộ lấy lí do sợ trốn trại, bắt để trên ban thi đua. mỗi ngay chỉ được lấy vài muỗng bột, chút ít đồ ăn, lương thực thăm nuôi bị Chuột cống, chuột người, chuột trật tự, chuột thi đua gặm lần gặm mòn, chỉ vài hôm là còn lại cái bao không. Thời gian này đường Trường Sơn 3 khởi công, xẻ núi, phá đá đều dùng xà beng và cuốc, vận chuyển đất bằng quang gánh, người tù đói lả, bước đi như không có người lái. Đói, đói… Ngày xưa bước chân quân Mông cổ đi đến đâu là cỏ không mọc lên được, hôm nay dưới xã hội chủ nghĩa, người tù đi đến đâu là không còn ngọn rau dại, rau tàu bay, không còn con sinh vật nào dù là cóc, nhai, rắn rít, bò cạp, chuột, dế, châu chấu... nghĩa là con gì cử động, ngu ngoe được thì tù bắt bỏ vào mồm, chỉ trừ có con bù lon cứng quá nhai không ra mà thôi. Đói, lao động khổ sai, nhiều người phát phù thủng, kiệt sức, những người bạn một thời cứng như thép được tôi luyện trong chiến trận như Đ/u Nguyễn Khoá (Lực lượng đặc biệt) Đ/u Đoàn Văn Tịnh (TQLC). Đ/u Nguyễn Văn Tịnh (BB, em rể Đ/t Võ Toàn) Đ/u Nguyễn Đức Lại... nhất là Đ/u Nguyễn Văn Dũng, tự là Dũng tây lai, tức là nhà thơ Dũng Quốc Chinh (xin đừng nhầm với nhạc sĩ Dũng Chinh, những đồi hoa sim) Dũng Quốc Chinh là dân tây lai, to cao, đồ sộ, nhưng với tiêu chuẩn chết đói, đã làm Dũng ốm nhom như cây sậy, lại phù thủng, ngồi đâu, gục đó, khi biết không còn sống được bao lâu nữa thì VC cho về, như trường hợp Đ/u Phan Dân Hiệp, và chết tại Đà Nẵng. Mấy tuần nay chúng tôi thấy hình nhà độc tài Fidel Castro trên TV, sau khi bị cắt bỏ nôi tạng bị thối, tiều tụy, xơ xác, gợi cho tôi nhớ đến người bạn xấu số Dũng quốc Chinh.
Con đường dài dưới 10 km, nhưng làm kéo dài năm nọ tháng kia vì mùa nắng làm, mùa mưa nước trên núi tràn xuống làm hư hại, vì đỉnh cao trí tuệ không biết làm hệ thống thoát nước, mương cống, và nỗi khổ nhọc cứ kéo dài, hay đây là cách làm cho tù chết sớm, biết đâu? Mỗi mét đường đều thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người tù binh, do đó anh em đã đặt tên là đưòng Trường Sơn 3, để thông cảm nỗi khổ đau của nhiêu thế hệ thanh niên miền Bắc bị cưỡng ép bỏ gia đình, người yêu đi làm con đường Trường Sơn, bỏ xác dọc dãy Trường Sơn.
Đập nước Hố Đài là công trình ngăn hai mõm núi nhô ra cách nhau khoãng 60m, đập cao 60m, bề rộng 20m, làm thành một hồ chứa nước rộng lớn, có thể tưới cho cả những cánh đồng chung quanh điạ bàn Thượng Đức, công tác xẻ núi vận chuyển đất và đổ mặt bằng đều bằng sức người và những dụng cụ thô sơ thời Bác Hồ còn trong hang Pác bó, cho nên sức tù kị vắt cạn, kèm theo đói triền miên, muà hè nắng cháy, mùa đông mưa phùn giá lạnh, gió núi buốt tim gan, nhiều tù binh ngã gục. Sau một năm dài vật lộn với công trình được mệnh danh là “Với sức người (sức tù) sỏi đá cũng thành cơm”. Đập Hố Đài cơ bản đã hoàn thành, những khúc nhạc của những nhạc nô đã cho hát lải nhải trên loa phóng thanh. Một đêm khuya mưa gió đầy trời, tù đang thao thức chống đỡ với đói và lạnh, bỗng một tiếng nổ vang như sấm giậy, đập Hố Đài bị vỡ, nước tràn ra như thác đổ, kéo theo đất san bằng những thửa ruộng quanh trại và một trại chăn nuôi gia cầm, thể hiện đúng châm ngôn của những đỉnh cao trí tuệ : “Làm đâu hư đó, hư đâu sửa đó, sửa đâu hư đó”.
Công trình thứ hai là cầu treo An Điềm, dòng sông Vàng mùa hè cạn khô, có thể lội qua được, nhưng vào muà nước lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, dâng cao, cô lập trại với cánh đồng Hà sung, lò gạch ngói với trại, do đó chiếc cầu treo được thiết kế và thi công, cũng với hai bàn tay tù và những dụng cụ thô sơ, lên núi khiêng đá xuống để kè và lặn xuống nước làm móng cầu, công tác vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm. Trung úy chiến tranh chính trị Lê qúy Kỳ, cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng QT, đã bị đá đè sập hầm chết. Ngoài ra còn có nhà máy giấy An Điềm là những cỗ máy nghiền nát thân thể gầy còm của người tù….
Sau cái ngày được gọi là Quốc khánh (mồng 2 tháng 9) năm 1988, đợt tù binh cuối cùng rời khỏi trại An Điềm, duy chỉ còn một người còn ở lại và được chuyển về trại Ạ30 Hàm Tân -Thuận Hải. Đó là vị nghị viên thành phố Huế, mang trong người dòng máu Hà Thúc, dòng họ danh giá tại tỉnh Thừa Thiên, trước khi trúng cử nghị viên thành phố Huế, anh đã là Thiếu tá BĐQ, và có thời gian làm quận trưởng quận Phú Vang, anh là tấm gương sáng, bất khuất trước bạo lực, trước những gông cùm tàn bạo của công an trại, anh luôn luôn đấu lý với công an trại và nhìn thẳng vào mắt kẻ thù, cùm một chân, kẹp hai chân, không ăn thua, bỏ đói, bỏ khát, không khuất phục được anh, đói khát chào thua anh, anh chống đối bọn cai tù và chính sách tàn bạo của CS ra mặt, do đó bọn nó đã tạo ra vở kịch rất tồi, cáo buộc anh âm mưu giết cán bộ, cướp súng để trốn trại, chúng lập toà án và kết án anh 20 năm, khi tất cả tù chính trị rời An Điền sau 13 năm sống dở chết dở, thì anh lại về một điạ ngục khác. Tên tuổi anh sẽ không bao giờ phai trong ký ức những bạn tù của anh ở An Điềm.
Bao năm trôi qua, những ngày tháng ở trại cải tạo là những ngày kinh hoàng, và hôm nay nhớ lại vẫn không thể tin sức người có thể vượt qua được, âu cũng là một phép lạ.
Ngày được ra ngoài đời, nhất là khi được đến định cư tại nước ngoài, hít thở không khí tự do và vấn đề cơm áo không còn là nỗi bận tâm lớn, niềm mong ước cháy bỏng trong tim cựu tù binh là làm sao gặp lại những người bạn cùng tù cũ, đã từng ngọt bùi, gian khổ có nhau, chia cho nhau từng cọng rau, từng miếng khoai, đụt sắn... Cảm động biết bao, khi trong một dịp tình cờ nào đó hai người bạn cựu tù gặp lại, ôm chầm lấy nhau và hỏi thăm nhau, hỏi thăm tin tức những người bạn khác. Để biến ước mơ hội ngộ thành sự thật, năm 2004, những anh em định cư tại vùng Orang county (Nam Cali) đã gặp nhau, và cùng nhau bắt tay liên lạc, nối kết, tìm tòi địa chỉ bạn bè, thành lập nhóm cưu tù chính trị trại cải tạo An Điềm, đó là những anh Mai Đức Lễ, Trương Hoá, Dương Lan, Nguyễn Kim Ngọc, Trần Vĩnh, Hồ Văn Chung
Đến năm 2006, thời gian hai năm với những hoạt động nho nhỏ như thăm anh em bị bệnh, chia vui, chia buồn... các anh đã kết hợp được những cựu tù lên đến con số đáng mừng, gần trăm anh em và quyết định ngày HỘI NGỘ CỰU TÙ CHÍNH TRỊ trại cải tạo An Điềm là ngày chủ nhật 17 tháng 9 năm 2006 tại tư gia anh Mai Đức Lễ, tại thành phố Westminster, vào lúc 10.30 sáng.
Trời vào thu, Cali mát mẻ, mới 10 giờ sáng, mà xe đã đậu dài dài hai bên đường, và khu vườn nhà anh Mai Đức Lễ đã vang vang tiếng nói cười, cảm động biết bao, nhớ mặt mà quên tên, ôm nhau rung rung mái tóc pha sương, nhắc tên nhau, thời gian qủa là vô tình … ngày cùng nhau gian khổ tóc còn xanh, nay không còn xanh nữa, có nhiều bạn thời gian hằn vết lên khuôn mặt, nhắc nhau những kỷ niệm nước mắt như muốn trào. Những ngày đói khát triền miên, cọng rau, khúc sắn, củ khoai, con ếch, con nhái,con dế, con chuột …. thăm hỏi nhau bạn bè còn mất, gia đình con cháu nội ngoại ra sao (tuyệt nhiên không ai hỏi đến nhà cửa, sang hèn, vì tất cả vật chất đối với những người được sống về từ địa ngục, đều vô nghĩa), những tấm gương can đảm, gương hy sinh vì bạn bè trong tù được nhắc nhở đến, cũng như những tên đội trưởng khét tiếng hành hạ anh em để lập công cũng được nhắc tên. Nhiều bạn đem theo Bà xã mình để giới thiệu với bạn bè với sự biết ơn sâu xa.
Không có nghi thức, tất cả đều đột phát từ trong lòng những cựu tù. Một tiếng nói trong đám đông bỗng vang lên: Xin tất cả cho một phút yên lặng để tưởng nhớ đến các bạn chúng ta đã nằm lại trong trại cải tạo. Mọi người đứng lên mặc niệm. Tên được một bạn tù xướng lên : Lê Qúy Kỳ, Trác Sĩ Lâm, Hà Thúc Long, Trương Thanh Tân ‘Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Ngọc. Lê Văn Lập. Nguyễn Thanh Lập, Phan Dân Hiệp, Nguyễn Văn Ri, Nguyễn Hiền ….
Sau đó một cựu tù đề nghị vinh danh những người vợ tù, những người đã gắn liền cuộc đời với những khổ đau của tù, hy sinh, chịu đựng lo cho chồng trong tù, lo cho con cái thơ dại, phụng dưỡng cha mẹ và tránh mọi cám dỗ sa ngã, tận tụy hy sinh, trọn tấm lòng trung trinh, những người đàn bà, những người vợ tù là những gương hy sinh vĩ đại, yêu cầu quản ca bắt bài hát ca ngợi công ơn vợ tù, nhưng tiếc thay cho đến nay chưa có nhạc phẩm nào nói lên được trọn vẹn ý nghĩa cao cả đó, (vấn đề nầy nhờ nhạc sĩ Vĩnh Điện, tù An Điềm sáng tác cho) nên tất cả đứng lên cùng vỗ tay vinh danh các Bà.
Để có nhiều thời gian hàn huyên tâm sự, tất cả mọi người nhanh chóng thông qua các điểm sau đây :
1/ Lưu nhiệm các anh trong ban điều hành nhóm, gồm trưởng nhóm : Mai đức Lễ, phó ban ở khu vực. a/ Los Dương Lan, b/ San Diego Nguyễn Kim Ngọc, Thư ký Hồ Văn Chung, thủ quỹ Trần Vĩnh.
2/ Không có niên liễm, nếu có anh em nào mất, mỗi người xin góp 30đ để phúng điếu...
3/ Hội ngộ lần tới dự trù Tân niên ….
Bữa cơm thân mật diễn ra lúc qúa trưa, và hình như không ai thấy đói.
Gần trăm người tù cũng qúy bà xã đã tâm sự cho đến xế chiều, bịn rin chia tay nhau.
Một góc sân, tiếng ca “Vui một hôm nay, rồi mai lên đường“ bỗng vang lên và mọi người cùng hát.
Xin hẹn lại một ngày HỘI NGỘ khác hy vong những anh em ở xa sẽ về đông đủ hơn.
Tâm niệm của cựu tù chính trị An Điềm là: chúng ta tìm đến với nhau vì tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, như những ngày cùng đùm bọc, nâng đỡ, thương yêu nhau trong các nhà tù Cộng sản nói chung và trại An Điềm nói riêng.
Xin trân trọng gởi đến :
- Nhà văn Huy Phương, người luôn luôn tích cực tham gia vào những hoạt động thiện nguyện liên quan đến tập thể những người một thời mang áo lính, những tù chính trị, những cô nhi qủa phụ và thương phế binh.
- Nhà văn nhà báo Vương Hồng Anh - cựu tù Kỳ Sơn, Tiên Lãnh.
- Web site phanchautrinh.danang.com (MTPCT/ĐN)
Lòng tri ơn sâu xa đã gíúp đỡ nhóm cựu tù cải tạo trại An Điềm chúng tôi, trongvấn đề truyền thông, để cuộc hội ngộ có đông đủ anh em về dự ngoài mong đợi.
Những cựu tù chính trị trại An Điềm ở các tiểu bang xa, muốn tìm kiếm tin tức bạn bè xin liên lạc với anh nhóm trưởng Mai đức Lễ. Điện thoại số (714)677.7462. Anh Lễ sẵn sàng cung cấp địa chỉ nếu có.
Hẹn tái ngộ.
Miền Nam California –Hoa kỳ
Cựu tù An Điềm Trương Đức Thủy

History Lesson: Abraham Lincoln vs. JFK

History Lessons: Abraham Lincoln & JFK

History Lesson

Have a history teacher explain this----- if they
can.

Abraham Lincoln was elected to Congress in 1846.
John F. Kennedy was elected to Congress in 1946.

Abraham Lincoln was elected President in 1860.
John F. Kennedy was elected President in 1960.

Both were particularly concerned with civil rights.
Both wives lost their children while living in the White House.

Both Presidents were shot on a Friday.
Both Presidents were shot in the head.

Now it gets really weird.

Lincoln 's secretary was named Kennedy.
Kennedy's Secretary was named Lincoln .

Both were assassinated by Southerners.
Both were succeeded by Southerners named Johnson.

Andrew Johnson, who succeeded Lincoln , was born in 1808.
Lyndon Johnson, who succeeded Kennedy, was born in 1908.

John Wilkes Booth, who assassinated Lincoln , was born in 1839.
Lee Harvey Oswald, who assassinated Kennedy, was born in 1939.

Both assassins were known by their three names.
Both names are composed of fifteen letters.

Now hang on to your seat.

Lincoln was shot at the theater named 'Ford.'
Kennedy was shot in a car called ' Lincoln ' made
by 'Ford.'

Lincoln was shot in a theater and his assassin ran and hid in a warehouse.
Kennedy was shot from a warehouse and his assassin ran and hid in a theater.
Booth and Oswald were assassinated before their trials.
And here's the kicker...
A week before Lincoln was shot, he was in Monroe , Maryland
A week before Kennedy was shot, he was with Marilyn Monroe.

Creepy huh?